Di tích kiến trúc được mở cửa trở lại cho công chúng chiêm ngưỡng bao gồm bảy phòng riêng biệt trang trí phong phú. Mặt sàn lát bằng thứ gỗ quí, tô điểm nhiều loại đá đa dạng khác nhau. Chỉ riêng ốp các bức tường, trần và cột nhà đã sử dụng 25 tấn đá quý. Bây giờ tất cả những ai có nguyện vọng đều có thể thẩm định thị hiếu thẩm mỹ tinh tế của Nữ hoàng và kỹ năng bậc thầy của các nghệ nhân phục chế hiện đại.
Số lượng lớn các loại đá trang trí trong tư dinh của Nữ hoàng Ekaterina không phải là ngẫu nhiên. Nữ hoàng Nga là người mê say khoáng vật. Trong những năm thuộc triều đại cai trị của bà (nửa cuối thế kỷ 18) tại Ural đã khai mở những khu mỏ mã não giàu có. Và Nữ hoàng Ekaterina quyết định thực hiện ước mơ tạo lập trong Hoàng Thôn một căn phòng toàn bằng thứ đá màu quí giá. Dưới sự chỉ đạo của Nữ hoàng, vị kiến trúc sư tài ba nổi tiếng người Anh Charles Cameron đã hòan thành kỳ công nghệ thuật và kỹ thuật tuyệt vời. Ông đã lên kế hoạch xây dựng để ánh sáng mặt trời không xâm nhập trực tiếp vào đây. Mã não với đặc tính dẫn nhiệt thấp được phát huy nét riêng đó, phục vụ như kiểu điều hòa không khí cho toàn bộ gian phòng. Khu tư dinh vì thế trở thành nơi nghỉ ngơi yên tĩnh và mát mẻ ngay cả trong tiết hè gay gắt nóng nực.
Đàm đạo với phóng viên Sputnik, bà Natalia Kudryavtseva kiến trúc sư trưởng của Khu Bảo tàng — Bảo tồn quốc gia Hoàng Thôn đã kể về quá trình và kết quả của công việc trùng tu.
"Sở dĩ có tên gọi Phòng Mã não chính là do thực tế hai gian phòng lớn được làm hầu như hoàn toàn bằng loại đá này. Mã não với số lượng lớn màu sắc khác nhau, khác biệt bởi sự đa dạng về sắc vân và độ óng ánh — tùy thuộc vào từng mỏ. Các bức tường của hai phòng được trang trí bằng mã não màu đỏ sẫm điểm những vệt trắng sáng. Nội thất được phục hồi chúng tôi đã mở cửa dành cho công chúng từng phần một — như có sẵn, để không hoàn toàn đóng cửa trong suốt thời gian đại trùng tu di tích này, không gây ngắt quãng trong giao tiếp với công chúng. Nhưng bây giờ tất cả các phòng đều đã được trùng tu hoàn chỉnh.
Qua hơn 250 năm Phòng Mã não hầu như không thay đổi. Thậm chí nơi này may mắn tồn tại qua cả những năm Thế chiến II ác liệt. Nhưng, tất nhiên, không tránh khỏi là mặt sàn và các bức tường có chỗ xỉn màu, bong lở và cần được phục hồi một cách khoa học.
Kiến trúc sư trưởng Natalia Kudryavtseva kể:
"Đối với chúng tôi đây là công việc rất quan trọng. Trước hết gắn với thực tế là trong thời gian Thế chiến II Hoàng Thôn-Tsarskoye Selo đã bị phá hoại nghiêm trọng. Cụ thể, phần lớn Cung điện Ekaterina bị hư hại còn Phòng Hổ phách nổi tiếng nói chung đã biến mất không tăm tích. Nhưng Phòng Mã não với kết cấu riêng biệt thì may mắn vẫn còn nguyên".
Các chuyên viên phục chế đã cặm cụi làm việc ròng rã ba năm liền để khôi phục nội thất lịch sử của Phòng Mã não. Trong đó, tất cả mọi thứ tuân theo nguyên tắc: càng ít cái càng mới càng tốt. Kiến trúc sư trưởng Natalia Kudryavtseva khẳng định rằng những ván ghép của căn phòng quí giá cho đến nay vẫn giữ nguyên dấu tích lịch sử.
"Tòan bộ các trần thiết nghệ thuật đều mang đặc tính gốc của kỷ nguyên Ekaterina, mà đích thân Nữ hòang đã thực sự tiếp xúc, những nếp vải mặt đá dường như còn lưu lại dấu tay của bậc vương giả. Chúng tôi cẩn thận bảo quản tất cả những yếu tố nghệ thuật, hầu như không hề xâm phạm chút nào đến nội thất lịch sử", — kiến trúc sư trưởng xác nhận.
Sau khi Phòng Mã não được khôi phục rất đông người gần xa muốn chiêm ngưỡng công trình sáng tạo kiến trúc độc đáo này. Dòng du khách không hạn chế có thể gây tổn hại cho những căn phòng cổ xưa của Nữ hoàng. Các nhân viên Bảo tàng cho rằng yêu cầu quan trọng là có giải pháp tối ưu để một mặt, bảo tồn di tích, và mặt khác — phô trương báu vật vô song của nước Nga với mọi người.