Liệu các chuyên gia Séc lo lắng về việc họ có thể bị áp đặt các biện pháp trừng phạt vì sự hợp tác với các nhà chức trách của Crưm?
Ông Jaroslav Holík, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Môi trường của Quốc hội Séc, đã đề xuất sáng kiến thành lập một nhóm quốc tế để giúp Crưm giải quyết vấn đề nước ngọt.
— Vào mùa xuân tôi đã đến thăm Crưm và đã thấy rằng, các cánh cổng khóa nước trong kênh đào cung cấp nước sông Dnepr cho miền trung và miền bắc Crưm đều bị đóng cửa. Người dân Crưm đang thiếu nước ngọt. Vì thế họ buộc phải từ chối trồng lúa, vì cây lúa đòi hỏi nhiều nước, và bắt đầu trồng những loài cây khác không hút nhiều nước từ đất. Và tôi nghĩ rằng, chắc là các chuyên gia thủy lợi của chúng tôi có thể giúp Crưm giải quyết vấn đề này y như chúng tôi đã và đang giúp đỡ cho Israel. Trong sự hợp tác với các chuyên gia địa phương, ở Israel chúng tôi đã có thể biến một số vùng sa mạc thành những cánh đồng trồng các loài cây không đòi hỏi nhiều nước và thậm chí có những khu rừng. Israel sử dụng các công nghệ tiết kiệm nước tiên tiến nhất, ví dụ như hệ thống tưới nhỏ giọt, công nghệ tái chế nước sinh hoạt để sử dụng trong nông nghiệp. Tóm lại, nếu các chuyên gia của Israel, Cộng hòa Séc và Nga tập trung nỗ lực thì có thể giải quyết vấn đề tưới đủ nước cho Crưm để bán đảo không biến thành sa mạc. Bây giờ chúng tôi đang thành lập một nhóm quốc tế. Xin nhấn mạnh rằng, dự án này không mang tính chính trị, nhiệm vụ của chúng tôi là duy trì vẻ đẹp của khu vực thiên nhiên độc đáo này trên hành tinh chúng ta.
— Khi nào nhóm này sẽ bắt tay vào công việc cụ thể?
— Vào mùa thu năm nay một phái đoàn từ Crưm sẽ đến Prague. Trong đoàn có các chuyên gia chuyên ngành, các doanh nhân và chính trị gia, và chúng tôi sẽ thảo luận với họ về những chi tiết, sẽ xác định thời gian cụ thể. Trong mọi trường hợp, các hoạt động sẽ bắt đầu sau cuộc bầu cử quốc hội, theo tôi, chúng tôi sẽ khởi động dự án vào năm 2018. Đã có danh sách các vấn đề mà nhóm chuyên gia quốc tế có thể giúp giải quyết, cụ thể là, lọc nước bị ô nhiễm, tái sử dụng nước bị ô nhiễm trong lĩnh vực kỹ thuật. Ngoài ra, có kế hoạch xây dựng các kênh đào để nước từ các dòng suối ở trên núi không chảy xuống biển.
- Các chuyên gia làm việc ở Crưm có lo ngại về các biện pháp trừng phạt của EU hay không?
— Tôi không quan tâm đến vấn đề này. Ví dụ, Kiev đã cấm tôi vào lãnh thổ Ukraina trong vòng 5 năm thì sao? Tôi xin nhắc lại, đây không phải là một hành động chính trị, chúng tôi chỉ muốn bảo vệ môi trường, muốn cứu bán đảo Crưm khỏi "thảm họa" thiếu nước ngọt.
— Ở châu Âu, ngày càng có nhiều người ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Liệu có thể giảm bớt ảnh hưởng của cuộc phong tỏa đối với Crưm và công nhận bán đảo này là một phần lãnh thổ Nga?
— Rất có thể, tôi hoàn toàn ủng hộ phương án này! Bởi vì quyết định của Cộng hòa tự trị Crưm ra khỏi thành phần Ukraina và gia nhập Nga đã được thông qua một cách hợp pháp. Đã có cuộc trưng cầu dân ý, mà các nhà quan sát từ 23 quốc gia đã theo dõi quá trình bỏ phiếu. Trong số đó đã có ba đại diện của Cộng hòa Séc: các nghị sĩ Milan Sharapatka (đảng Úsvit), Stanislav Berkovich (đàng ANO) và Trưởng thôn Visoky Myt ông Miloslav Soushek (ČSSD). Họ khẳng định rằng, đã không có bất kỳ sai phạm trong cuộc bỏ phiếu, tuy nhiên, sau đó một số phương tiện truyền thông đã bóp méo sự thật. Nhưng, cá nhân tôi, tôi tin tưởng vào ý kiến của các đại biểu Séc — những người tận mắt chứng kiến sự kiện đó.