Theo nguồn tin này, đi cùng tàu tuần duyên USS Coronado trong chuyến thăm Cam Ranh lần này của Hải quân Mỹ còn có tàu SNS Salvor (T-ARS-52). Đi cùng 2 chiếc tàu này trong chuyến thăm đến Cam Ranh có tổng số gần 120 người kể cả sĩ quan và thủy thủ đoàn. Theo kế hoạch, đoàn sẽ tham gia hoạt động giao lưu Hải quân (NEA) giữa Việt Nam — Mỹ, lần thứ 8.
Hoạt động lần này kéo dài trong 4 hôm, từ ngày 5 đến 9/7, tập trung vào việc trao đổi kỹ năng quân y, tìm kiếm và cứu nạn, an ninh hàng hải, các hội thảo về luật biển… Được biết, chuyến cập Cam Ranh ngày 5/7 của tàu USS Coronado là khá bất ngờ bởi cũng chính con tàu này đã thực hiện chuyến thăm Cam Ranh trong các ngày 11-15/6 vừa qua.
Theo Chuẩn Đô đốc Donald Gabrielson, Tư lệnh Nhóm Hậu cần Tây Thái Bình Dương/Lực lượng đặc nhiệm 73, chuyến thăm kỹ thuật đến Cam Ranh này đánh dấu lần đầu tiên hoạt động bảo dưỡng viễn chinh được thực hiện cho phiên bản tàu tác chiến ven bờ thuộc lớp Independence triển khai luân phiên.
"Chuyến thăm kỹ thuật này nâng cao năng lực bảo dưỡng viễn chinh của chúng tôi và tăng cường quan hệ hợp tác của chúng tôi với Việt Nam. Các chuyến thăm kỹ thuật mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và tăng cường tính linh hoạt về mặt địa lý trong công tác sửa chữa và duy trì trạng thái sẵn sàng cao cho tàu. Chúng tôi đánh giá cao cơ hội hợp tác với Việt Nam và mong muốn làm việc cùng nhau để tăng cường sự ổn định và xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi", Chuẩn Đô đốc Donald Gabrielson nói.
Được biết, USS Coronado là chiếc tàu LCS đầu tiên Hải quân Mỹ tích hợp thành công tên lửa chống hạm Harpoon Block IC. Gói hợp đồng này được giao cho Boeing thực hiện. Cùng với việc tích hợp tên lửa Harpoon, nền tảng quan trọng nhất của gói nâng cấp này là hệ thống kiểm soát vũ khí mở rộng (AHWCS) dành riêng cho loại tên lửa chống hạm này.
Theo đó một cụm ống phóng tên lửa Harpoon không rõ số lượng sẽ được gắn phía trước boong tàu LCS ngay sau tháp pháo Mk 110 57mm của nó, và quan trọng là cụm ống phóng này có thể được tháo bỏ khi cần thiết.
Tên lửa trang bị động cơ tuốc bin phản lực cho tầm bay 124km, tốc độ bay 864km/h, pha cuối bay ở độ cao cực thấp, dùng đầu tự dẫn radar chủ động. Harpoon được phát triển với khá nhiều biến thể, chủ yếu cải tiến về hệ thống dẫn đường và động lực giúp tăng tầm bắn tên lửa.
Ví dụ như biến thể phóng từ trên không AGM-84F Block 1D tăng tầm tới 315km, AGM-84H/K Block 1G/J có tầm 280km; biến thể phóng trên tàu chiến RGM-84F Block 1D tăng tầm tới 315km.
Cả nhà sản xuất Boeing và Hải quân Mỹ từng nhiều lần khẳng định, tên lửa chống hạm Harpoon có thể bắn chìm chiến hạm cỡ lớn chỉ với một phát bắn duy nhất.
Nguồn: Báo Đất Việt