Theo IMF, dù hoạt động khai thác dầu của Việt Nam tiếp tục suy yếu trong quý I/2017 nhưng động lực tăng trưởng vẫn sẽ được duy trì nhờ hoạt động sản xuất mạnh và dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, IMF dự đoán rằng tăng nhu cầu nội địa cũng như sự phục hồi của sản xuất nông nghiệp cũng sẽ đóng góp vào tăng trưởng.
Về lạm phát, IMF dự báo chỉ số này ở Việt Nam vào cuối năm sẽ ổn định ở mức 5%. Ngoài ra, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ giảm vì nhập khẩu tăng. Từ những chỉ số này, IMF đưa ra dự báo tăng trưởng GDP xa hơn vào năm 2018 sẽ là mức 6,3%.
Dù không có nhiều điểm tích cực, dự đoán mới của IMF vẫn có những điểm sáng nổi trội về tình hình Việt Nam trong tương lai gần.
Điểm sáng nhất phải kể đến có lẽ là việc IMF vẫn giữ quan điểm lạc quan rằng nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ những biến chuyển cải cách nơi Chính phủ. Theo tổ chức này, chương trình cải cách sẽ có thể thúc đẩy sự tăng trưởng tiềm tàng, tăng khả năng thích ứng với những cú sốc trong nước và cho nền kinh tế Việt Nam.
Đồng thời, IMF cũng cho biết việc triển khai nhanh chóng các hiệp định thương mại song phương như thỏa thuận với EU có thể giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút FDI.
Nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước những 'rủi ro', những 'nút thắt' mà nếu không được giải quyết ổn thỏa thì lực cản cho sức tăng trưởng sẽ vẫn còn. Một phần trong dự đoán, IMF đã chỉ ra những rủi ro nội tại ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của Việt Nam trong ngắn hạn chính là nợ công cao và việc xử lý chậm chạp các khoản nợ xấu.
Ở các yếu tố khách quan và bên ngoài nền kinh tế, các rủi ro đó sẽ là điều kiện tài chính, thương mại toàn cầu đang bị thắt chặt, những nhân tố bất ngờ ở nước ngoài ảnh hưởng đến nhu cầu mua, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và sự sụp đổ của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nguồn: Ttvn