Chỉ đạo báo chí không họp Thường vụ Quốc hội liệu có phù hợp?

© Ảnh : Việt DũngTổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trong một lần trao đổi với phóng viên báo chí
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trong một lần trao đổi với phóng viên báo chí - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ đạo: kể từ phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 11-7), phóng viên chỉ được dự 5 phút đầu, cuối cuộc họp sẽ ra thông cáo báo chí. Liệu chỉ đạo này có phù hợp?

Sáng 11-7, nhiều phóng viên các cơ quan báo chí đến dự và đưa tin phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại Trung tâm báo chí Nhà Quốc hội đã bất ngờ nhận được thông báo từ cán bộ Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội: "Sáng nay, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội có chỉ đạo bắt đầu từ hôm nay, báo chí chỉ được tham dự 5 phút đầu của mỗi buổi họp. Cuối mỗi ngày sẽ có thông cáo báo chí gửi đến các phóng viên".

Có báo chí dự 
thì đại biểu ngại (!?)

Giải thích về quyết định này, Chủ nhiệm Văn phòng, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng việc báo chí không tham dự phiên họp là để các đại biểu trao đổi, phát biểu cho thoải mái.

"Nhiều khi có anh em báo chí vào thì cũng ngại, phát biểu không hết ý. Có những vấn đề bí mật nhà nước mà vô tình nói ra thì không hay, lại phải đề nghị báo chí không đăng tải. Vì vậy, quyết định này nhằm giúp các đại biểu thảo luận sâu, nói hết ý, kể cả vấn đề bí mật" — ông Phúc cho hay.

Cùng ngày, phóng viên Tuổi Trẻ nhận được thông cáo báo chí từ Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội.

Bản thông cáo chủ yếu giới thiệu các thành phần tham dự cuộc họp, người trình bày văn bản và kết luận của người chủ trì, không dẫn chứng cụ thể ý kiến các thành viên UBTVQH và các phát biểu tại cuộc họp.

Về việc đánh giá kỳ họp thứ 3 của Quốc hội liên quan đến hoạt động báo chí, thông cáo nêu: "Công tác tuyên truyền về kỳ họp được thực hiện tốt, có nhiều đổi mới, vừa tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp, đưa tin vừa đảm bảo nội quy, trật tự trong khu vực hội họp.

Các phiên thảo luận ở tổ, hội trường được phản ánh khá toàn diện, các phiên họp được truyền hình trực tiếp đã góp phần tích cực đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gần dân hơn, tạo điều kiện để cử tri theo dõi".

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, nhiều người am hiểu về báo chí, truyền thông đều khẳng định: các bản thông cáo báo chí không thể thay thế vai trò của các phóng viên tham dự sự kiện.

"Thông cáo báo chí luôn được soạn theo ý muốn của người ra thông cáo. Còn hoạt động của phóng viên luôn đem đến cho cử tri, dư luận cái nhìn đa chiều, nhiều góc độ về sự kiện, vấn đề ấy.

Với hoạt động của Quốc hội, cử tri không chỉ cần biết kết luận chính thức của UBTVQH mà còn cần được biết quan điểm, chính kiến của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, chính kiến của các đại biểu Quốc hội" — nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến bình luận.

Báo chí giúp cử tri 
giám sát các hoạt động của Quốc hội

Năm 1994, lần đầu tiên có phát thanh, truyền hình trực tiếp về phiên họp Quốc hội. Khi được bầu làm chủ tịch Quốc hội khóa XII, năm 2002, ông Nguyễn Văn An đã đề nghị UBTVQH cho phép phóng viên báo chí trực tiếp dự, đưa tin các phiên họp UBTVQH, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước. Quyết định này đã được duy trì liên tục trong 15 năm qua.

Khi có người hỏi về quyết định này, ông An đáp: "Đã là đại biểu của dân, chúng ta phát biểu gì, chính kiến thế nào dân phải được biết. Quyết định để báo chí vào đưa tin nhằm minh bạch hóa hoạt động của UBTVQH. Nếu báo chí đưa tin sai thì xử lý theo pháp luật, còn nếu đại biểu phát biểu thiếu chuẩn mực bị đưa lên thì khó có thể trách báo chí".

Không chỉ Quốc hội, về phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu nhiệm kỳ mới một cách ấn tượng về sự cởi mở với báo chí.

Nhiều phiên họp chuyên đề của Chính phủ với lãnh đạo các địa phương, thậm chí có chuyên đề không ít người coi là "nhạy cảm" như giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ vẫn mời đông đảo phóng viên tham dự.

Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng hạn chế báo chí tham dự đối với tất cả các nội dung UBTVQH họp là không nên bởi Hiến pháp, luật đều quy định hoạt động của Quốc hội là hoạt động mở, Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.

"Tôi đồng ý là với các nội dung thuộc bí mật nhà nước, các vấn đề quan trọng về quốc phòng, an ninh, nội dung đặc biệt nhạy cảm, UBTVQH có thể họp riêng, báo chí không tham dự. Nhưng với đa số nội dung về kinh tế — xã hội, quốc kế dân sinh, các dự án luật không có nội dung bí mật, các phiên giải trình… thì không hà cớ gì hạn chế báo chí tiếp cận" — ông Tiến bày tỏ.

Ông Tiến cho rằng với các dự án luật, các vấn đề chuẩn bị trình Quốc hội quyết định thì việc thông tin đa chiều, nêu nhiều ý kiến khác nhau, cả góp ý và phản biện, là càng tốt bởi sẽ giúp các đại biểu Quốc hội nghe nhiều chiều, có nhiều thông tin để đưa ra quyết định chính xác nhất. Đồng thời việc này cũng giúp cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội.

"Ở VN, Quốc hội mỗi năm họp hai kỳ, nếu không cho báo chí dự các phiên họp UBTVQH thì có thể sự cảm nhận về không khí hoạt động của Quốc hội với cử tri sẽ bị đứt quãng" — ông Tiến phân tích.

Theo tuoitre.vn

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала