Trong đề án còn có 12 DN cổ phần nhưng DN sẽ giữ hơn 50% vốn nhà nước. Số DN này vừa sản xuất, kinh doanh nhưng khi có yêu cầu phải phục vụ nhiệm vụ quốc phòng hay chịu sự điều động khi xảy ra chiến tranh.
"Còn những DN làm kinh tế đơn thuần như xây dựng, thương mại, dịch vụ sẽ được cổ phần hóa, thoái vốn hết", ông Thắng nói.
Hiện nay đề án sắp xếp DN quân đội đã báo cáo Chính phủ. Sau khi được Chính phủ thông qua, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai, thực hiện.
Ông Thắng cũng thông báo việc sắp xếp lại DN không có gì bí mật. Tuy nhiên khi thực hiện, với một số nội dung thì có một số vấn đề trong quá trình xây dựng cần bảo mật có thời hạn để bàn bạc và sau khi được Thủ tướng phê duyệt sẽ công khai cho người dân biết.
Về câu hỏi liệu có sự ưu tiên cho DN quân đội, ông Thắng cho hay không có bất cứ ưu tiên nào cả. Tuy nhiên, trước đây một số DN quân đội được cấp biển số đỏ nhưng hiện sẽ không có ưu tiên này nữa.
"Vừa rồi Bộ Quốc phòng thu hồi 1.000 biển số đỏ xe quân đội. Hiện DN quân đội 100% vốn nhà nước chỉ có 2 xe dành cho lãnh đạo. Còn các xe còn lại sẽ chuyển sang biển trắng. Các DN quân đội đều bị tính đủ chi phí, hoạch toán như DN khác, cạnh tranh như DN khác", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, hằng năm DN quân đội đều bị thanh tra, kiểm toán về tình hình sản xuất, tài chính như DN khác. Có chăng lợi thế của DN quân đội là sản phẩm ra thị trường được người dân tin tưởng hơn so với các sản phẩm của DN khác.
Nguồn: Thanhnien