Thế nhưng trong trường hợp với năng lượng mặt trời thì ông đã lầm khi đưa ra tuyên bố mấy năm về trước, rằng thứ năng lượng này là món xa xỉ đối với nhân loại. Bây giờ những tấm pin mặt trời đang ngày càng được xem như là cách thức tối ưu để thu nhận điện năng. Ngay vào năm 2016 tại ba mươi nước giá thành năng lượng mặt trời không hề đắt hơn so với điện thu được từ các nhà máy nhiệt điện dùng than đá, khí đốt hoặc dầu mỏ. Tại bang California của Mỹ, mới dăm năm về trước tỷ lệ năng lượng mặt trời trong tổng cân đối hầu như bằng 0. Thế mà đến năm 2016 năng lượng mặt trời đã đạt 13,8%. Trong số này, 9,6% thuộc về các trạm năng lượng mặt trời thương mại, phần còn lại là từ những tấm panel trên mái nhà, sản phẩm của công ty SolarCity của Elon Musk và những công ty khác. Từ năm 2010, chi phí năng lượng mặt trời ở California giảm bốn lần và là 5-6 cent cho mỗi kilowatt-giờ, tức là gần như ngang với chi phí điện khí đốt và rẻ chỉ bằng một nửa giá điện hạt nhân.
Nếu hiện nay mặt trời cùng với sức gió cung cấp khoảng 4% sản xuất điện toàn cầu, thì đến năm 2060, theo dự báo của Hội đồng Năng lượng Thế giới, tỷ lệ này sẽ lên tới mốc 39%. Còn theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế, đến năm 2050 máy phát điện năng lượng mặt trời sẽ là rẻ nhất.
Hiện nay, thủ lĩnh về sản xuất điện năng lượng mặt trời là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản và Italia. Ở Nga, chỉ riêng trong năm 2015 đã xây dựng được 11 nhà máy điện năng lượng mặt trời với tổng công suất 55 MW. Thời hạn hoàn vốn của tấm pin mặt trời ở các nước miền Nam châu Âu là khoảng 1,5-2 năm, ở các quốc gia Trung Âu — 2,5-3,5 năm, trong khi đó ở Nga, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt hơn, thời hạn thu hồi vốn ban đầu của nhà máy điện năng lượng mặt trời là trong khoảng 2-5 năm.
Trong thời gian tới, hiệu suất của những tấm pin mặt trời sẽ được gia tăng đáng kể. Điều này gắn với sự phát triển nhiều công nghệ tiên tiến cho phép nâng cao hiệu suất và giảm giá thành tấm pin. Và hệ quả kèm theo còn là cắt giảm cả thời hạn mà hệ thống tiết kiệm điện trên năng lượng mặt trời sẽ đền bù cho chính nó.
Ở Nga chẳng hạn đã sáng chế pin mặt trời thế hệ thứ ba. Chúng có thể được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, đặc biệt là ở phần phía nam đất nước, nơi thường chan hòa ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Đó là ý kiến của các nhà nghiên cứu hàng đầu từ Viện Vật lý và kỹ thuật Saint-Peterburg mang tên Ioffe, những người đã đến Việt Nam theo lời mời của Viện Công nghệ cao VinIT.
Tại cuộc hội thảo khoa học do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức, Phó Giám đốc Viện Saint-Peterburg Sergey Kognovitsky thông báo rằng pin mặt trời thế hệ thứ ba được chế tạo dựa trên cơ sở công nghệ cao. Trong đó giảm thiểu lượng vật liệu bán dẫn, pin có kích thước nhỏ đáng kể nhưng công suất lại lớn hơn các loại pin trước đây. Nếu hiệu quả năng lượng trong pin mặt trời của Nhật Bản là 20%, thì các tấm pin sáng chế ở Saint-Peterburg có chỉ số lớn hơn gần gấp rưỡi. Tấm bảng có pin được gắn trên các hệ thống theo dõi Mặt trời, không để sót bất kỳ tia nắng trực tiếp. Hơn thế nữa, các hệ thống này có thể được lắp đặt cả trên những mái nhà cũng như trên các cột đất — trong trường hợp này, địa bàn xung quanh hoàn toàn phù hợp để khai thác phục vụ nhu cầu nông nghiệp như trồng trọt và chăn nuôi gia súc.
Trong hội nghị, hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm đến những sáng chế này. Như ông Lê Anh Trinh Phó lãnh đạo công ty đầu tư «Index» thông báo trong cuộc phỏng vấn của Sputnik Việt Nam, công ty của ông đánh giá cao thành tựu công nghệ của các nhà khoa học Nga. Dự án của họ rất nhiều ưu điểm và công ty cho rằng thiết lập quan hệ đối tác với phía Nga, đầu tư vào sản xuất tấm pin mặt trời công nghệ cao tại Việt Nam là lựa chọn đúng đắn nhất.
Sau khi tạm gác chương trình điện hạt nhân, chính quyền Việt Nam công bố cần phát triển những nguồn thay thế, trước hết là những nguồn chưa cạn kiệt tính theo tầm cỡ toàn nhân loại. Trong bối cảnh này, việc giới thiệu sáng chế mới của các nhà khoa học Nga về tấm pin mặt trời công nghệ cao là rất kịp thời và đầy ý nghĩa, — những người tham gia hội thảo tại Hà Nội nhận định.