Tháng 8 này, Khôi sẽ du học. Cậu khao khát trở thành một người truyền cảm hứng cho giới trẻ về vấn đề giáo dục giới tính, và là một người dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề quyền, cụ thể là nữ quyền và quyền LGBTIQ+ (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, liên giới).
"Nhiều bạn xem phim sex là công cụ để ‘học về giới tính'"
Trong vòng nộp hồ sơ, Khôi gửi đến ban tuyển sinh 2 bài luận. Bài 1, Xuân Khôi bàn về "Vai trò của người phụ nữ trong gian bếp". Trong bài luận này, Khôi đặt ra câu hỏi:
"Tại sao trong những ngày lễ lớn như đám giổ hay lễ Tết, phụ nữ luôn là người trong căn bếp và đàn ông luôn luôn là người ngồi tiếp khách hoặc được ăn cỗ trước?". Bằng những trải nghiệm chân thật trong quãng thời gian đủ dài để nhìn thấy bất công từ chính gia đình mình, Khôi viết nên bài luận đầu tiên của mình.
Đến bài luận thứ 2, cậu thật sự khiến mọi người xung quanh bị sốc khi tiết lộ chủ đề của nó xoay quanh trăn trở khi xem phim sex. Tuy nhiên, Khôi không gói câu chuyện ở góc độ cá nhân, cậu mở rộng nó thành vấn đề đáng trăn trở của nhiều thanh thiếu niên Việt hiện nay.
"Viết luận về vấn đề này, mình muốn thẳng thắn nêu ra một vấn đề tồn tại trong giới trẻ đến tận bây giờ đó là rất nhiều bạn trẻ vẫn còn thiếu kiến thức về giới tính. Các bạn ấy hầu như không được nhà trường hoặc giáo viên cung cấp các chuyên đề về giáo dục giới tính một cách đầy đủ và đúng mức.
Những bạn trẻ mới bắt đầu dậy thì, đặc biệt là học sinh cấp 2, các bạn ấy sẽ tìm tới phim sex để thỏa trí tò mò, tưởng tượng… Bản thân mình ngày xưa cũng vậy. Nhưng vấn đề ở đây, phim sex chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng con người và hơn thế, nó là một hình thức kinh doanh. Vì thế, sản phẩm này chắc chắn sẽ mang nhiều sai lệch cho người xem về mặt tình dục.
Khi những đứa trẻ mới 11, 12 tuổi không biết gì về tình dục xem phim sex quá nhiều, lạm dụng nó và xem nó là công cụ học tập duy nhất sẽ có cái nhìn cực kỳ sai lầm về tình dục. Ngoài ra, các bạn sẽ có những mộng tưởng, mong muốn trải nghiệm tình dục rất lệch lạc để lại nhiều hậu quả về sau như quan hệ không bao cao su, không biết cách bảo vệ mình hoặc không tôn trọng đối phương chẳng hạn…
Trước thực tế đó, mình tự hỏi: Tại sao chúng ta cứ ngại nói về vấn đề này một cách công khai mà cứ xì xầm bàn tán một cách thậm thụt trong giờ giải lao hay bất cứ khi nào có cơ hội để nói về chủ đề này sau lưng bố mẹ, thầy cô. Thà là dẫn đường cho hươu chạy còn hơn là để nó chạy tán loạn lạc đường", Khôi điểm qua một số ý chính cậu viết trong bài luận xoay quanh chủ đề sex.
Chứng kiến những người xung quanh có một nhận thức sai lầm về tình dục, từ bên trong Khôi luôn có tiếng nói thôi thúc cậu phải tạo ra thay đổi. Chàng trai 18 tuổi dành rất nhiều ngày đêm để đọc những cuốn sách về giới tính và về những điều mà chương trình giáo dục đại cương không có hoặc bỏ qua.
"Tổ chức này không chỉ của riêng mình mà là của tất cả những người có chung niềm trăn trở với mình. Hoạt động của nhóm nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục giới tính cho bạn trẻ Việt. Mình là người tạo ra thay đổi? Vẫn chưa. Nhưng mình tin nếu nhiều bạn cùng góp sức sẽ có thể tạo nên đổi thay toàn diện. Mỗi năm nhóm có nhiều hoạt động. Gần đây nhất là buổi nói chuyện cung cấp kiến thức về xâm hại tình dục. Chúng mình đã bán hơn 100 vé đấy!", Khôi tràn đầy niềm tin khi nói về nỗ lực thúc đẩy thay đổi về kiến thức giới tính trong giới trẻ.
Với cậu, bàn luận về việc xem phim sex sẽ không đủ sức giúp cậu đạt học bổng nếu thiếu đi phần giải quyết vấn đề thuyết phục bằng sự ra đời của "Sex Speak Organization".
Quá khứ bị bắt nạt vì định kiến nam tính độc hại (Toxic Masculinity)
"Mình là sự kết hợp của nước mắt và bắt nạt, kỳ thị, hắt hủi; của ngòi bút không bao giờ ngừng viết; và của những giấc mộng đổi đời rực rỡ…", Khôi đã giới thiệu về mình như thế trên Fanpage của trường UWC.
9X tâm sự bản thân là một "ông cụ non" vì suy nghĩ quá nhiều thứ; nó là hệ quả của quá trình dài chịu áp lực từ cả hai phía: gia đình và trường học. Khi xưa, có những đêm Khôi khóc đến khi ngủ thiếp đi ở nhà hay nghẹn ngào nuốt nước mắt vào trong mà không biết kêu cứu ai ở lớp. Chính những ngày buồn bã ấy đã khiến Khôi ý thức được thân phận của mình và biết mình cần phải làm gì để thay đổi cuộc sống ấy.
"Năm mình học lớp 7, mình bị bắt nạt bởi những bạn nữ học cùng lớp. Đó là một trải nghiệm không mấy tốt đẹp gì, thậm chí là tồi tệ. Mình bị nhóm 6 bạn nữ bẻ gãy mắt kính mình, vứt cặp sách vào thùng rác. Có một lần mình trốn các bạn ấy nên đã chạy vào nhà vệ sinh nam. Các bạn ấy vẫn xông vào rồi khóa trái cửa. Họ dùng nước lau sàn để dội vào buồng vệ sinh. Mình bị ướt từ đầu đến chân. Sau đó, mình có thưa lên Giáo viên chủ nhiệm thì nhận được câu trả lời: "Em là con trai mà, sợ gì tụi nó?" Điều mình sốc nhất ở đây là một người giáo viên, đáng lẽ phải bảo vệ tất cả học sinh của mình bất kể nam hay nữ, nhưng cô lại quyết định để mặc mình chỉ đơn giản vì cô mặc định mình có thể giải quyết được việc bắt nạt này do mình là con trai. Là con trai hay không là con trai có phải là vấn đề? Vấn đề ở đây là mình bị bắt nạt, bị dày vò về tinh thần và cảm xúc khiến mình có rất nhiều suy nghĩ tiêu cực khi đến trường. Mình có một thời gian sợ đi học. Đó mới là vấn đề. Chứ không phải việc mình phải tỏ ra mạnh mẽ thế nào, cứng rắn thế nào trong trường hợp này, tình huống kia. Mình cảm thấy những quy chuẩn về giới — hay còn gọi là định kiến — đang đè quá nặng lên đôi vai của cả hai giới, cả nam lẫn nữ, luôn chực chờ phán xét một người chứ không màng đến việc hỗ trợ người đó đứng lên", Khôi tâm sự.
Sợ đến trường, về nhà Khôi cũng chẳng khá hơn. Cậu bị áp lực trở thành một người đàn ông theo chuẩn của xã hội: Con trai thì không được khóc, không được thích môn Văn, phải thích chơi bóng đá… Sau bao nỗ lực nói không với những điều mình không thích, mạnh dạn viết đơn đăng ký thi HSG Văn khi gia đình nhất quyết đòi cậu thi Hóa, kiên quyết bảo vệ quan điểm Hương Giang Idol là một người phụ nữ và đáng được tôn trọng trước bố mẹ,… Cuối cùng, ý kiến của cậu cũng được gia đình chấp nhận và tôn trọng.
"Đối với bất cứ ai khi muốn tạo nên thay đổi thì họ phải tạo nên thay đổi từ chính gia đình của mình trước, sau đó mới có thể thay đổi được những người xung quanh và cả xã hội. Không thể nào đùng một cái chúng ta có thể trở thành siêu nhân. Mình cảm thấy bản thân thật may mắn khi vẫn có thể ở đây ngày hôm nay mà đã không nghĩ về những cách giải quyết như tự tử hay bỏ nhà đi trong giai đoạn ấy!", Khôi nói.
Khi được hỏi: "Những năm tháng đã qua tạo nên con người bạn ở hiện tại cũng đáng để kể lắm chứ, sao bạn không chọn đó là đề tài gửi đến ban tuyển sinh?
Khôi trả lời:
"Thú thật là ban đầu mình cũng định sẽ viết về những năm tháng cấp 2 của mình nhưng rồi cảm thấy nếu chỉ viết về việc mình bị bắt nạt như thế nào, bị phân biệt ra sao… thì giống như mình đang kể khổ. Mình không muốn ấn tượng ban đầu của tuyển sinh về mình là một người tiêu cực, suốt ngày vật vã. Dù quá khứ có thế nào thì mình luôn tin rằng tương lai là một điều gì đó rất đáng được mong chờ và hướng tới".
Người Khôi thần tượng nhất trong cuộc sống của mình là bà nội và mẹ — những người phụ nữ mạnh mẽ, là trụ cột kinh tế đưa gia đình vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn. Khi bố Khôi bị tai nạn lao động mất nửa ngón tay và không thể đi làm trong một năm, đó là lúc cậu khao khát được đổi đời nhờ việc học để san sẻ cho mẹ một phần gánh nặng cuộc sống.
Khôi từng nói với mọi người rằng du học là cơ hội đổi đời. Ngẫm lại, cậu nhận thấy mọi chuyện không hẳn là như vậy.
"Đổi đời hay không là do bản thân mình, là do mình có biết tận dụng những cơ hội tốt trong tương lai hay không. Mình mong muốn đi sang các nước phát triển như Mỹ, Anh để học đại học. Kiếm tiền là cần thiết với gia đình mình nhưng đó không phải là mục tiêu chính của mình bây giờ. Mình sẽ dành 2 năm ở UWC để trải nghiệm và va chạm càng nhiều càng tốt. Tương lai chính là câu trả lời cho những nỗ lực hôm nay", 9X đúc kết.
Nguồn: Trí Thức Trẻ