Theo Viện Chiến lược, xe cá nhân bao gồm ô tô con; xe công vụ; mô tô, xe gắn máy 2-3 bánh; xe máy điện; xe đạp điện, xe đạp… Các loại xe chở hàng như xe tải, xe chuyên dùng, xe gắn máy 2-3 bánh chở hàng cũng là xe cá nhân.
Từ khái niệm trên, Viện Chiến lược cho rằng xe cá nhân đang gia tăng với tốc nhanh, hạ tầng không đáp ứng kịp mà vận tải hành khách công cộng (HKCC) kém phát triển, chưa có loại hình vận tải như BRT, Metro dẫn đến ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng.
Tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, các hoạt động giao thông gây ô nhiễm môi trường.
Viện Chiến lược đề xuất song song với phát triển vận tải HKCC thì cần có các biện pháp tài chính, hành chính, kỹ thuật để kiểm soát tiến tới hạn chế dần xe cá nhân.
Các giải pháp hành chính được nghiên cứu là kiểm soát xe cá nhân lưu hành theo biển số chẵn — lẻ (theo ngày và theo giờ), hạn chế dừng đỗ, hạn chế và cấp phép cho xe đi vào nội đô, giới hạn đăng ký xe ở từng quận — huyện, kiểm soát chặt xe công loại nhỏ lưu thông trên đường phố…
Về tài chính, Viện Chiến lược đề xuất thu phí chống ùn tắc, đấu giá biển số (đặc biệt là đăng ký, bán đấu giá biển số xe taxi và quy định chỉ có 1-2 màu với loại xe này để dễ nhận dạng, kiểm tra, xử lý và phân biệt được với các loại xe cá nhân khác…).
Về kỹ thuật, Viện Chiến lược đề xuất các giải pháp như trồng cọc tiêu mềm, đặt hộp phân cách, tạo bậc thềm không cho xe cá nhân, đặc biệt là xe máy đi vào một số tuyến đường…
Viện Chiến lược cũng đề xuất nghiên cứu phương án kiểm định khí thải đối với xe máy chạy trên 5 năm với chu kỳ kiểm định lần kế tiếp là 2 năm sau.
Theo Viện Chiến lược, đến năm 2020 xe cá nhân ở TP vẫn chiếm trên 81% thị phần vận tải (VTHKCC chỉ chiếm khoảng 15-18%). Do đó, Viện đề xuất nghiên cứu phân vùng lưu thông, thống kê số lượng và dự kiến tiến đến năm 2030 (hoặc sau đó) sẽ ngưng toàn bộ xe máy đi vào một số khu vực trung tâm và nơi thường xảy ra ùn tắc…
Nguồn: Tiền Phong