Bị động, đùn đẩy
Tại phiên chất vấn của HĐND tỉnh hôm qua, sau khi nghe phần trả lời của Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh đặt câu hỏi, ngành nông nghiệp đã nhận trách nhiệm tương đối rõ nhưng đã thật sự sâu sắc chưa?
Ông Sơn cho hay, tháng 2/2015 giống Thiên ưu 8 được công nhận là giống quốc gia, tháng 7/2015 bắt đầu cho phép thương mại hóa. Giống Thiên ưu 8 được bắt đầu sử dụng trong các vụ Xuân, Hè thu 2016 và Xuân 2017.
Trong số liệu phân tích thấy rằng tiến độ sử dụng giống Thiên ưu 8 tăng nhanh. Mặc dù mới đưa vào sản xuất ở nhưng giống này đã chiếm gần 40% tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân 2017 ở Hà Tĩnh.
"Có lẽ chưa có giống nào cơ cấu lớn như thế này. Câu hỏi vì sao cơ cấu lớn như vậy vẫn chưa được trả lời một cách nghiêm túc"- ông Sơn nói.
Liên quan đến việc quảng cáo giống Thiên ưu 8, ông Lê Đình Sơn, người từng làm Giám đốc Sở NN&PTNT, nêu câu hỏi trong hồ sơ gốc giống Thiên ưu 8 kháng trung bình bệnh đạo ôn thì tại sao không công bố thông tin.
"Biết đây là giống kháng trung bình trong trong hồ sơ thì dứt khoát không đưa vào Hà Tĩnh, vì thời tiết Hà Tĩnh có những đặc thù và chúng ta biết chuyện này đã hàng chục năm nay" — ông Sơn khẳng định.
Hồ sơ giống Thiên ưu 8 ghi kháng bệnh trung bình, trong tờ rơi phát ra thì ghi kháng mức khá, vậy mà trên bao bì sản phẩm lại ghi "đặc biệt kháng bệnh đạo ôn".
Bí thư Hà Tĩnh đặt câu hỏi, khi để mất mùa lớn, phải chăng ngành nông nghiệp đã thiếu sâu sát cơ sở.
Trong nguyên nhân khách quan có nêu do công việc của cả hệ thống chính trị dồn vào sau sự cố môi trường biển. Câu đó không sai nhưng liệu Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ (huyện trung du, miền núi) có bị cuốn hút vào việc này hết không?, ông Sơn nêu.
"Chúng ta thiếu sâu sát cơ sở, thiếu tận tụy trong công việc hàng ngày mà đầu tiên phải nói là xuất phát từ ngành. Đó là việc vận hành bộ máy, dự tính dự báo sơ sài, thiếu chỉ đạo, đôn đốc từ lãnh đạo ngành nông nghiệp. Khi sự cố mất mùa xảy ra, tôi cùng đồng chí Khánh (Chủ tịch UBND tỉnh) chia thành 2 đoàn đi kiểm tra về có văn bản chỉ đạo làm rõ ngay, nhưng thấy các đồng chí ngành nông nghiệp bị động, lúng túng, thậm chí đùn đẩy", Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ rõ.
Đừng đổ lỗi cho dân
Ông Sơn nhắc tới chuyện ngành nông nghiệp cho rằng có nguyên nhân từ thời tiết khi xảy ra mất mùa.
Ông nói: "Tôi không bác bỏ thời tiết, sản xuất ngoài trời đương nhiên có thời tiết, đặc biệt bệnh đạo ôn rất nhạy cảm với thời tiết, nhưng nếu chúng ta xâu chuỗi từ đầu đến cuối thì đổ lỗi cho thời tiết thế nào được.
"Từ tháng 12 anh đã kiểm tra giống, kiểm tra đề án rồi, hay là đề án kiểm tra cho vui? Có thời tiết nhưng đừng đổ lỗi cho thời tiết cả, mà nếu anh đổ lỗi cho thời tiết là chính thì chưa đúng, tất nhiên phải có kết luận của Hội đồng khoa học mới rõ" — ông Sơn thẳng thắn.
Lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định không nên đổ lỗi cho người dân:
"Tại sao hai ruộng gần nhau, cùng thời vụ, cùng phân bón, cùng cách chăm sóc, bên kia không bị nhưng bên này bị thì nói tập quán chỗ nào? Nông dân chủ quan có, tùy tiện có, nhưng dân bầu chúng ta làm thì chúng ta phải phục vụ nhân dân, đó là trách nhiệm của chúng ta".
Theo Vietnamnet