Chỉ riêng tổn thất ngân sách đã ước chừng 870 tỷ rúp (tương đương khoảng 13 tỉ USD), còn tính chung trong phạm vi cả nước thì thâm hụt 12 nghìn tỷ rúp (bằng 180 tỷ USD). Một trong những tác giả của dự luật, nghị sĩ đảng viên Cộng sản Nikolai Arefyev tuyên bố: "Cần phải thoát khỏi tổ chức khủng bố quốc tế đang khủng bố nền kinh tế của chúng ta!".
Tất nhiên, ở đây có tác động tiêu cực từ biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt chống Nga. Tuy nhiên, chúng ta hãy thử nêu câu hỏi, tại sao những người cộng sản Trung Quốc và Việt Nam hiện nắm quyền lãnh đạo vẫn dẫn dắt được đất nước họ trong khuôn khổ WTO và thu nhận từ tổ chức này những lợi ích rõ rệt, trong khi các công dân Nga không thể nhận được bất cứ điều gì đáng giá từ WTO?
Thứ nhất, ở Nga có rất ít ai hình dung nổi tấm thẻ thành viên WTO đem lại cho đất nước những gì. Tôi nhớ rằng trước ngưỡng gia nhập tổ chức Thương mại toàn thế giới, tôi từng nêu câu hỏi về việc này với một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga, và ông nói rằng, bởi phần lớn các nước hiện diện trong WTO nên chúng ta cũng cần gia nhập!
Thứ hai, các nhà đàm phán của Nga về vấn đề này đã hành động không khéo léo, nhưng không ai cáo giác họ hay là đem bàn luận trong công chúng. Trung Quốc và Việt Nam chuẩn bị cho việc gia nhập không chỉ dành thời gian dài (15 năm và 11 năm), mà còn rất kỹ lưỡng cẩn thận, đặc biệt là trên bình diện pháp lý. Sự hỗ trợ pháp lý cho tư cách thành viên của Nga trong WTO ở mức rất thấp, và cho đến nay ít có luật gia Nga nào thông thạo các quy tắc của WTO. Trong khi đó các nhà đàm phán của Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được cho đất nước họ những điều kiện thuận lợi hơn khi làm thành viên WTO so với Nga. Thí dụ, Trung Quốc đã "mặc cả" được cho mình mức thuế đủ cao, trung bình là 10%.
Thứ ba, đa số các quan chức Nga có vai trò với việc đất nước gia nhập WTO đều không muốn nghiêm túc học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam khi phấn đấu làm thành viên của tổ chức này, còn những lời cảnh báo từ phía đảng Cộng sản thì họ cũng chẳng thèm để tâm lắng nghe.
Và bây giờ bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh của phái Cộng sản Nga chống tư cách thành viên WTO. Cuộc đấu sẽ kết thúc ra sao? Tất nhiên, thời thế đã thay đổi. Chủ nghĩa bảo hộ, bảo vệ nền kinh tế của mình, hiện nay đang ngày càng trở thành ý tưởng phổ biến hơn 5 năm trước. Điều này thể hiện qua quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từ bỏ Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), rồi Vương quốc Anh ra khỏi EU, v.v…
Nhưng ở Nga có một vài ngành dù sao vẫn được hưởng lợi từ việc đất nước gia nhập WTO. Đó là ngành dầu khí và luyện kim, những cấu trúc giàu có, sử dụng vận động hành lang lobby mạnh trong Quốc hội. Những người phản đối tư cách thành viên của Nga trong WTO khó mong đánh bại họ.