Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thông qua tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt 6 vấn đề mà NHNN cần giải trình.
Vấn đề thứ nhất là tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất, Thủ tướng có đặt vấn đề là làm sao tín dụng này không nên chảy vào một số "đại gia" mà phải chảy vào doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5% — 1%.Vấn đề thứ hai là xử lý nợ xấu, NHNN phải có giải pháp thực hiện sớm, thực hiện tốt Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua.Vấn đề thứ ba, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, được "Thủ tướng nhắc đi nhắc lại 3 lần" là NHNN nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực rất lớn trong dân. Làm sao huy động được nguồn lực USD đang nằm trong dân; thay vì gửi với lãi suất 0% thì làm sao huy động nguồn lực này, hòa vào các nguồn lực khác cho đầu tư.
Vấn đề thứ tư là sở hữu chéo.
Vấn đề thứ năm là xử lý vướng mắc trong cho vay đối với một số lĩnh vực.
Vấn đề thứ sáu là tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an toàn cho người gửi tiền.
Liên quan tới 6 vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu làm rõ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường khả năng tiếp cận vốn minh bạch, công khai thông tin cả về lãi suất, các trình tự thủ tục, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn.
Về lãi suất, sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên. Các ngân hàng cũng triển khai nhiều chương trình tín dụng để hỗ trợ DN với lãi suất thấp, hiện khoảng từ 5% — 6,5%/năm; tiếp tục giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn với lĩnh vực ưu tiên xuống 8%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn với khách hàng tốt khoảng 4% — 5%/năm.
Về tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, tín dụng có thể tăng cao hơn như chỉ đạo của Chính phủ là 18% — 20% nhưng phải kiểm soát ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và phải đảm bảo chất lượng tín dụng, đưa tín dụng vào khuyến khích lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Đối với vấn đề huy động nguồn lực ngoại tệ trong dân, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, trong đó phần lớn là nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân đã được chuyển hóa sang VND. Tuy nhiên, đối với đề án chống đô la hóa, vàng hóa, NHNN vẫn đang khẩn trương lấy ý kiến các bộ, ngành để tổng hợp, trong đó có các giải pháp rất cụ thể cả về vĩ mô cũng như liên quan đến trách nhiệm của các bộ ngành. NHNN cũng sẽ có những giải pháp chuyển hóa các nguồn lực đó đưa vào đầu tư.
Liên quan đến gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, các ngân hàng thương mại cam kết cho vay khoảng 120.000 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được khoảng gần 33.000 tỷ đồng. Khi triển khai cho vay gói tín dụng này đã gặp một số khó khăn, vướng mắc như thế chấp tài sản trên đất, chưa có quy hoạch cụ thể để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thiếu thị trường tiêu thụ ổn định…
Về vấn đề xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết, NHNN đã đề xuất Chính phủ lộ trình triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về triển khai nghị quyết này, trong đó có phân công nhiệm vụ rất rõ cho các bộ, cơ quan liên quan.
Nguồn: sggp