Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, trong các đối tác ở khu vực, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, đây là chủ trương nhất quán, lâu dài và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Thời gian vừa qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đã có những bước phát triển hết sức tích cực, đặc biệt là hợp tác kinh tế. Trung Quốc liên tục 13 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Chỉ tính riêng năm 2016, thương mại song phương đạt 72 tỉ USD, chiếm hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2016, Trung Quốc cũng đã lọt vào top 10 nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam — xếp thứ 8 với tổng vốn lũy kế đạt 10,5 tỉ USD. Thành tựu này phần nào phản ánh sự kỳ vọng cũng như coi trọng mà Việt Nam dành cho quan hệ Việt-Trung, đặc biệt là hợp tác kinh tế.
Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam lại càng đặc biệt coi trọng quan hệ với Quảng Đông và Hong Kong. Bởi Việt Nam, Quảng Đông và Hong Kong chính là hai "láng giềng nhỏ trong láng giềng lớn"
GDP của Quảng Đông năm 2016 đạt 1,16 nghìn tỉ USD, tương đương nền kinh tế lớn thứ 15 thế giới. Riêng thương mại với Quảng Đông 2016 đạt 17 tỉ USD, bằng nửa tổng kim ngạch cùng kỳ của Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Trong năm 2016, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hong Kong là 6,09 tỷ USD. Tính đến tháng 3.2017, Hong Kong là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ sáu tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 17 tỷ USD.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, tiềm năng hợp tác giữa hai bên sẽ không dừng ở đó, và có nhiều lý do khiến ông tin tưởng như vậy.
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam thời gian qua liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%, bất chấp những thách thức từ khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu. Về phần mình, Quảng Đông tiếp tục là đầu tàu kinh tế của Trung Quốc với tăng trưởng năm 2016 đạt 7.5%, trong khi Hong Kong, sau 20 năm trở về với Trung Quốc, tiếp tục khẳng định vững chắc vai trò trung tâm tài chính ở khu vực. Đó là tiền đề đầu tiên, căn bản, vững chắc cho hợp tác kinh tế giữa hai bên.
Thứ hai, thị trường tiêu dùng Việt Nam có quy mô và sức mua ngày càng lớn: tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng 11% mỗi năm và ước tính sẽ chiếm 50% dân số vào năm 2035. Văn hóa tiêu dùng ngày một phổ biến, mua sắm không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn là sở thích, đặc biệt là ở các đô thị. Đây là một thị trường đầy hứa hẹn cho hàng hóa chất lượng cao của Quảng Đông, Hong Kong và của các thương hiệu quốc tế sản xuất tại đây.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, nông nghiệp, thủy sản. Những sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt, đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, với quy mô sản xuất ngày càng rộng, sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu từ thị trường hơn 100 triệu dân của Quảng Đông. Trong khi đó, Hong Kong là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn nói chung.
Không chỉ vậy, thông qua Việt Nam, hàng hóa, dịch vụ của Quảng Đông và Hong Kong sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn khác trong khuôn khổ nhiều FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, như ASEAN với 630 triệu dân, GDP 2,5 nghìn tỉ USD.
Thứ ba, hầu hết các lĩnh vực, các ngành công nghiệp của Việt Nam đều đang phát triển mạnh mẽ để bắt kịp với nhịp độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, từ hạ tầng giao thông đến quy hoạch và phát triển đô thị, từ năng lượng đến nông nghiệp công nghệ cao, từ chế tạo máy đến công nghiệp phụ trợ. Các ngành này đều cần nguồn vốn và công nghệ hiện đại, đây chính là dư địa to lớn cho đối tác nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư và nhà thầu đến từ Quảng Đông hay Hong Kong.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực cải cách, hội nhập quốc tế. Sau 30 năm đổi mới thành công, Việt Nam đang quyết liệt khởi xướng làn sóng đổi mới thứ hai. Một trọng tâm của chiến lược này là hoàn thiện hành lang pháp lý và tối ưu hóa môi trường đầu tư theo hướng tạo thuận lợi tối đa và bình đẳng cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Sáu tháng đầu 2017, vốn FDI đăng ký đạt 19,2 tỉ USD, cao nhất từ năm 2010 đến nay, cho thấy ngày càng nhiều nhà đầu tư tin tưởng và lạc quan về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, trong các lĩnh vực tiềm năng của hợp tác song phương hiện nay, đáng chú ý nhất là thương mại, kết nối cơ sở hạ tầng, năng lượng và du lịch.
Về thương mại, hai bên đang sẵn có một nền tảng rất tốt là kim ngạch hàng năm 25 tỉ USD. Nếu các khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp giảm thiểu hàng rào phi quan thuế được triển khai hiệu quả, con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Nông sản Việt, nếu được đầu tư hợp lý từ các đối tác Quảng Đông, Hong Kong nhằm mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh cơ khí hóa, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường năng lực giám sát chất lượng, giá trị xuất khẩu sang Quảng Đông và Hong Kong sẽ không dừng ở xấp xỉ 1 tỉ USD. Nếu phát triển được hạ tầng giao thông vận tải hiện đại để tranh thủ ưu thế về khoảng cách địa lý, giao thương giữa hai bên chắc chắn sẽ còn có bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa.
Về kết nối cơ sở hạ tầng, tốc độ phát triển hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải có mạng lưới cơ sở hạ tầng toàn diện tương ứng, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải và kho vận. Tới 2030 Việt Nam sẽ cần 6.000km đường cao tốc, xây mới nhiều sân bay, phát triển nhiều cảng nước sâu, và đặc biệt chú trọng kết nối hạ tầng giao thông với các nước láng giềng. Với kinh nghiệm và năng lực của mình, các nhà đầu tư hay nhà thầu Quảng Đông và Hong Kong hoàn toàn có thể tham gia các dự án này theo mô hình hợp tác công tư (PPP), tương tự như dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng khánh thành năm 2015.
Về năng lượng, Việt Nam chú trọng áp dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng và đẩy mạnh khai thác những nguồn năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Dự kiến Việt Nam sẽ từng bước nâng tỷ lệ năng lượng từ các nguồn này lên 7% vào năm 2020, 10% vào 2030, gồm cả điện mặt trời lẫn điện gió. Trong khi đó, 5/6 nhà sản xuất pin mặt trời hàng đầu thế giới đến từ Trung Quốc, và con số này trong ngành sản xuất turbine điện gió là 5/10. Rõ ràng đây là cơ hội hợp tác rất lớn cho hai bên trong tương lai gần.
Về du lịch, hiếm có lĩnh vực hợp tác nào giữa hai bên lại chứng kiến tăng trưởng vượt bậc như vậy thời gian qua. Tuy vậy đây mới chủ yếu là tăng trưởng về lượng. Nếu có những biện pháp nâng cao chất lượng du lịch theo hướng tiện nghi, chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường, xây dựng các gói dịch vụ hấp dẫn và khuyến khích chi tiêu, biến Việt Nam thành điểm đến ưa thích và bền vững của du khách Quảng Đông, Hong Kong và ngược lại, thì du lịch sẽ sớm trở thành một ngành hợp tác mũi nhọn giữa hai bên.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung mong muốn các hiệp hội và doanh nghiệp hai nước đóng góp ý kiến để kiện toàn hơn nữa hệ thống chính sách và hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi tối đa cho hợp tác kinh tế Việt Nam- Quảng Đông và Hong Kong phát triển vượt bậc, trở thành hình mẫu tiêu biểu cho quan hệ Việt-Trung.
Nguồn: LĐO