Điều quan trọng nhất, mà các nhà phân tích chú trọng đến: Huntsman là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp: ông từng là Đại sứ Mỹ ở Singapore và Trung Quốc. Điều thứ hai, ông là một người có xu hướng chống Nga (Russophobia) có tiếng, nhiều lần tỏ thái độ tiêu cực về điểm này hoặc điểm nọ trong chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, ông chỉ trích việc " tái thiết lập" mà Tổng thống Obama tại một thời điểm nào đó muốn thực hiện trong quan hệ với Nga. Huntsman cũng là chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương — một tổ chức dưới vỏ bọc của việc thúc đẩy các giá trị dân chủ, có xu hướng chống lại Nga trên trường quốc tế.
Một số tác giả cho rằng đối với Huntsman, Nga là terra incognito — đất nước xa lạ. Tôi nghi ngờ điều này. Tập đoàn hóa chất của gia đình Huntsman đã đầu tư vốn vào một số doanh nghiệp Nga. Cha của Huntsman trong đầu những năm 1990 đã mua sáu nhà máy của Nga với giá rẻ. Tôi nghĩ rằng những doanh nhân thành công như Huntsman thường xuyên liên tục theo dõi tình hình ở các nước họ bỏ vốn làm ăn, có nghĩa là họ được thông báo về tình hình ở Nga tốt hơn so với nhiều người khác.
Một điểm nữa đặt ra câu hỏi liên quan đến Jon Huntsman, đó là kinh nghiệm công việc của ông ở châu Á. Tại sao một người thông thạo tiếng Trung Quốc và không nói tiếng Nga, nhiều năm thời trẻ đã từng sống tại Đài Loan, đã từng làm việc ở Bắc Kinh và Singapore, lại được gửi đến Matxcơva? Một số phóng viên đồng nghiệp của tôi nghi ngờ — là để " chọc gậy" vào mối quan hệ đang tốt đẹp giữa Nga — Trung Quốc. Về khả năng "chọc gậy bánh xe" thì tôi không tin chắc, nhưng tôi không nghi ngờ rằng: hơn nhiều chính trị gia Mỹ khác, Huntsman biết rõ không chỉ điều gì làm cho Matxcơva và Bắc Kinh xích lại gần nhau, mà còn cả các vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Việc đề cử Huntsman nên được hiểu là bằng chứng cho thấy đối với Mỹ, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là hết sức quan trọng. Vấn đề nóng của bán đảo Triều Tiên, mà cả Matxcơva và Bắc Kinh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết, điều mà Huntsman có thể biết chi tiết cụ thể với tư cách cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc. Về các mối quan hệ thương mại và kinh tế trong khu vực, cựu Đại sứ Mỹ từng làm việc ở Singapore và Bắc Kinh chắc chắn nắm rõ. Và về khả năng của Nga như một đối thủ cạnh tranh kinh tế và quân sự-chính trị của Hoa Kỳ trong khu vực, Huntsman chắc chắn cũng có khái niệm.
Nói chung, để giải quyết nhiều vấn đề cấp bách trong bộ tam Matxcơva —Bắc Kinh-Washington thì nhà ngoại giao tầm cỡ như Jon Huntsman là cần thiết đối với Nhà Trắng. Và cả chính Matxcơva nữa. Và chính vì sự phát triển của mối quan hệ trong tam giác này có ảnh hưởng đến toàn thế giới, thì trên thực tế việc chỉ định Đại sứ Mỹ mới tại Nga nên được xem như một sự kiện vượt xa các mối quan hệ song phương Nga-Mỹ.