Làng võ Việt có nhiều "hổ giấy" và "võ mồm"?

© Ảnh : Trí Thức TrẻFlores tặng võ sư Châu và võ sư Linh bức tranh con hổ
Flores tặng võ sư Châu và võ sư Linh bức tranh con hổ - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Khi Flores tặng võ sư Châu và võ sư Linh bức tranh con hổ, nhiều thuyết âm mưu đã suy đoán ngầm ý của bức tranh là mỉa mai các ông chỉ là những "con hổ giấy".

Đấu võ không phải là một trận cờ tướng

Võ sư Vịnh Xuân Quyền - Sputnik Việt Nam
Vì sao Huỳnh Tuấn Kiệt không giao đấu với võ sư Vịnh Xuân Flores?
Cá nhân tôi lại thấy, võ sư Châu, võ sư Linh là những con hổ thật của làng võ Việt cho đến thời điểm này. Chỉ có những con hổ thật mới đủ dũng khí và không sợ hãi khi thách đấu với đối thủ có hình thể và tuổi trẻ vượt trội.

Có một số lời chê bai hai võ sư này đến từ giới võ thuật, nhưng những người ấy mới chỉ chứng minh cơ bắp của mình dồn lên mồm, chứ chân tay họ chưa hề động đậy. Những ai nghiêng về giả thuyết ông Châu và ông Linh muốn PR tên tuổi mình qua trận đấu, hãy nhớ rằng: Đấu võ không phải là một trận cờ tướng.

Sàn đấu không chỉ có thua thắng mà còn có thể tiễn thẳng người thua đến phòng cấp cứu, và tệ hơn là tặng đối thủ "tấm vé không khứ hồi" sang thế giới bên kia. Võ sư Châu còn là một nhà văn, nhà báo. Còn võ sư Linh thì đã bước qua tuổi lục tuần. Ở các vai ấy và ở tuổi ấy, các ông không cần phải gây sự để nổi tiếng.

Nếu có mong muốn khẳng định điều gì về bản thân mình qua trận đấu, thì đó chỉ là muốn vượt qua chính mình và muốn nói rằng làng võ Việt có những người không mũ ni che tai — như ý kiến không phải không có lý của một bài báo.

© Ảnh : Facebook/ Chau Doan Flores tặng võ sư Châu bức tranh con hổ
 Flores tặng võ sư Châu bức tranh con hổ - Sputnik Việt Nam
Flores tặng võ sư Châu bức tranh con hổ

Thế giới không trao huy chương cho những người động thủ bằng mồm

Cao thủ Vịnh Xuân sắp về Việt Nam làm điều khó ngờ với Nam Huỳnh Đạo - Sputnik Việt Nam
5 võ sư có nội công tâm pháp "truyền điện" như Huỳnh Tuấn Kiệt
Không thể phủ nhận, mục đích cuối cùng của thể thao là nâng cao phong trào rèn luyện sức khỏe cho toàn dân. Nhưng để đạt được mục đích ấy, không thể chỉ dựa vào hình ảnh của các ông bà già tập dưỡng sinh buổi sáng, các cô cậu bé tập chạy trong công viên buổi chiều.

Bộ mặt của một nền thể thao, động lực của một nền thể thao, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, phụ thuộc rất nhiều vào mầu sắc của những tấm huy chương. Mà huy chương thì phải giành được trong các cuộc thi đấu.

Một GS chuyên đi giảng thời sự — chính trị nói với tôi rằng:

"Tớ giảng hàng ngàn tiết về lòng tự hào, tự tôn, nhưng hiệu ứng không bằng 1% khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng trận quan trọng hay khi Hoàng Xuân Vinh đạt HCV Olympic. Khi cả nước xuống đường ăn mừng chiến thắng, hơn bao giờ hết sức mạnh dân tộc được tăng lên".

Thế giới không trao huy chương thể thao cho những người động thủ bằng mồm nhưng cơ bắp và dũng khí thì nhão nhoét.

Người Việt muốn nhìn thấy chứ không chỉ muốn nghe võ mồm

Một nền thể thao vững mạnh cũng không thể được xây trên lưng những con hổ giấy không chứng minh được năng lực thực tiễn của mình.

Lý Tiểu Long - Sputnik Việt Nam
Võ sư Việt từng thách đấu với huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long
Đã từng là một kỷ lục gia về nhảy cao, một nhà cầm quân thể thao thành tích cao có tầm nhìn và gặt hái được rất nhiều thành công, ông Hoàng Vĩnh Giang (Chủ tịch liên đoàn Võ cổ truyền VN) hoàn toàn hiểu điều đó.

Chính vì thế, phát biểu của ông lại khiến nhiều người băn khoăn:

"Qua trận đấu vừa rồi, tôi thấy trình độ của Pierre không có gì ghê gớm. Việt Nam có hàng chục cao thủ Vịnh Xuân có thể đánh bại cậu ấy nhanh chóng". Ông Giang cũng tin rằng nếu đánh nhau với Huỳnh Tuấn Kiệt, thì "dù Flores trẻ hơn, cao to hơn, cũng khó thắng. Tôi tin Huỳnh Tuấn Kiệt có những tuyệt học".

Người Việt muốn nhìn thấy chứ không chỉ muốn nghe võ mồm. Họ đã nghe rất nhiều điều ảo diệu phi thường về võ thuật. Và nhìn thực tế họ đã thất vọng.

Khi võ sĩ hạng nặng, tay đấm thép Mike Tyson thượng đài với Holyfield, không ai nghĩ anh phải tuyệt vọng dùng tới trò cắn rách tai đối thủ. Trong thi đấu thể thao không điều gì là không xảy ra. Kẻ vẫn được coi là mạnh hơn như Mike Tyson vẫn có thể thảm bại hai lần trước "ông già" Holyfield.

Nhiều người am hiểu võ thuật nhận định:

"Nếu chỉ nhìn vào những gì Flores thể hiện khi giao đấu với hai võ sư cao tuổi và thấp bé hơn hẳn để đánh giá thực lực của anh ta, rất có thể sai lầm. Giấu bài cũng là một chiến thuật khôn ngoan, trước khi gặp mặt với "kình địch" là chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt".

Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, chưởng môn Nam Huỳnh Đạo. - Sputnik Việt Nam
Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt sẽ đại diện Việt Nam "rửa nhục" với Flores?
Người yêu võ thuật rất muốn tin vào Nam Huỳnh Đạo, vì họ hiểu, một môn phái được cho là có đến 10.000 môn sinh và chưởng môn Kiệt khai môn lập phái từ năm 23 tuổi, lại đã trụ vững vài chục năm, thì không phải dạng vừa. Người viết bài này vẫn nghĩ Nam Huỳnh Đạo có thực lực.

Sự sơ sảy trong việc tô son quá mức hình ảnh vị chưởng môn, không thể hủy hoại toàn bộ thành tựu họ đã xây dựng mấy chục năm. Nhưng với nhiều người, niềm tin ấy đã lung lay ít nhiều, khi ông Kiệt không thể thực hiện ngay cả một "cú bắt tay" với người khách đến từ nửa vòng trái đất.

Cửa đình Nam Chơn, đại bản doanh của Nam Huỳnh Đạo cũng không thể mở để mời Flores vào uống ngay cả một cốc trà. Nếu có ai đó phải sợ khi vào "thánh đường" của Nam Huỳnh Đạo, thì đó chính là Flores chứ không phải ngược lại. Vậy tại sao cánh cửa đóng chặt?

Lột những chiếc mặt nạ của hổ giấy

Có quá nhiều thứ trong cuộc sống ảo khác xa đời thực, khiến chúng ta mất niềm tin. Sự hoang mang, mất niềm tin vào an ninh trật tự đã khiến chị chủ nhà ở Hải Dương nghĩ mình bị thôi miên khi thấy đầu óc choáng váng.

Hậu quả là một chiếc xe Fortuner bị thiêu rụi và hai người đi trên xe suýt bị vây đánh hội đồng. Không có 10 giây ra đòn của Từ Hiểu Đông thì chiếc mặt nạ của võ sư Ngụy Lôi không bao giờ rơi xuống. Ông ta vẫn là hùm thiêng ở võ đường và môn phái, chứ không phải con hổ giấy như thực tế.

Không bị võ sư trẻ vô danh Tsuyoshi Iwakur hạ gục trong 1 phút thì "huyền thoại" Ryuken Yanagi của Nhật Bản vẫn được sùng bái với level đại võ sư huyền đai cửu đẳng (đai đen 9 đẳng) và tuyệt kỹ Lăng Không Kình của ông ta vẫn làm khiến giang hồ lè lưỡi, xanh mặt.

Võ sĩ vô danh Tsuyoshi Iwakur hạ gục "huyền thoại" Ryuken Yanagi    

Sự xác tín về thực lực của làng võ Việt không đến bằng một lời tuyên bố "có hàng chục cao thủ Vịnh Xuân đánh bại Flores nhanh chóng" của ông Giang, ngay cả khi ông là Chủ tịch Liên đoàn.

Nếu không có một võ sư Việt Nam nào thực sự so tài và chiến thắng Flores trên thực tế, thì mọi lời tuyên bố chỉ khiến dư luận thêm nghi ngờ. Người hâm mộ không cần phải có hàng chục cao thủ chiến thắng Flores, chỉ cần 1 là đủ để lấy lại niềm tin, đủ để tự hào.

Nếu không có giao đấu, rất nhiều cao thủ thực sự của làng Võ Việt (mà tôi nghĩ không hề ít) cũng bị mang tiếng lây vì một nền võ thuật lý thuyết, thiếu thực chiến. Thuyết âm mưu cũng nói đến một thế lực võ lâm: Khuấy đảo dư luận để khuếch trương thanh thế và làm suy yếu Nam Huỳnh Đạo.

Chưa ai đưa ra bằng chứng thực tế nào về chuyện này, nhưng có thể thấy: Nếu Flores thất bại trước một cao thủ Nam Huỳnh Đạo hoặc môn phái khác, thì thuyết âm mưu kia tự khắc bị triệt tiêu. Còn không, thì ngược lại.

Giải đấu võ và việc dàn xếp một cái bắt tay

Như vậy một cuộc so tài là rất cần thiết, nhưng làm cách nào để nó diễn ra?

Khi ông Hoàng Vĩnh Giang khẳng định không cấp phép cho Huỳnh Tuấn Kiệt và Flores thi đấu, thì ông không sai. Luật pháp hiện tại của Việt Nam không cho phép các võ sư thách đấu, nếu cuộc đấu đó không ở trong khuôn khổ một giải đấu chính thức (chuyên nghiệp hoặc quần chúng).

Nhưng trong khi người Việt và cả nhiều người nước ngoài đang rất hoang mang về thực lực của võ cổ truyền Việt Nam, thì có rất nhiều cách để ông Giang cùng Liên đoàn Võ cổ truyền chứng minh rằng làng võ Việt có rất nhiều cao thủ không phải hổ giấy.

Liên đoàn có thể phát đi thông điệp chính thức mời Flores và Vịnh Xuân Nam Anh tái ngộ Nam Huỳnh Đạo trong một giải đấu võ cổ truyền gần nhất (hàng năm đều có). Khi ấy, việc giao đấu của các cao thủ hai bên hoàn toàn hợp pháp.

Một việc đơn giản hơn nhiều giải đấu võ, là Liên đoàn hoàn toàn có thể dàn xếp để có một cái bắt tay thực sự theo cả hai nghĩa giữa ông Kiệt và Flores.

Nếu ông Kiệt không muốn giáp mặt Flores, ông Giang có thể đến bắt tay ông Kiệt và công bố có điện hay không.

Ông Giang nói rằng một trong những việc làm quan trọng của Liên đoàn là duy trì, không để thất truyền các công phu đặc dị của các môn phái, đặc biệt là các bài quyền cổ, các bài binh khí, cách đánh đặc dị của dân tộc qua 4000 năm dựng nước và giữ nước.

Thế nhưng, ông lại mâu thuẫn khi nói rằng Liên đoàn không có hứng thú và trách nhiệm làm rõ về Kungfu Lăng Không Kình của ông Huỳnh Tuấn Kiệt.

Nếu Kungfu của ông Kiệt là thứ thiệt thì sẽ đúng như lời Flores nói:

"Huỳnh Tuấn Kiệt thắng tôi, thế giới sẽ tôn ông ấy làm thánh". Khi ấy, có phải ông Giang và Liên đoàn đã bỏ qua cơ hội lớn để phát dương và lưu truyền tuyệt kỹ võ Việt.

Sự ra tay của Liên đoàn, dù có chứng minh Lăng Không Kình là thật hay giả, cũng góp phần bảo vệ những giá trị võ thuật khác của Nam Huỳnh Đạo không bị rửa trôi theo cú khủng hoảng truyền thông và niềm tin, mà chính họ lúng túng không biết thoát ra đúng cách.

Sự ra tay ấy cũng sẽ khiến thuyết âm mưu (nếu có) nhằm hủy hoại uy tín của Nam Huỳnh Đạo phải dừng lại.

Từ mong muốn rất giản dị: Được bắt tay chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt, một võ sư nước ngoài đã khuấy động được tinh thần yêu võ thuật, quan tâm đến võ thuật của người Việt.

Đấy là cơ hội quá tuyệt vời để Liên đoàn Võ cổ truyền khuếch tán sức ảnh hưởng tích cực của mình, tạo ra một phong trào mới cho người dân đến gần hơn với võ thuật.

Hiện có quá nhiều võ sư, võ sĩ sẵn sàng thách đấu với Flores, mà theo họ là để bảo vệ uy tín của làng võ Việt. Nếu Liên đoàn ngồi im, thì ngay cả năng lực thực sự của họ cũng sẽ bị đặt câu hỏi như một "con hổ giấy".

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Bùi Ngọc Hải.

Nguồn: Trí Thức Trẻ

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала