Kiến nghị dùng rác để… lấn biển
Theo đó, văn bản này đề nghị Trung ương xem xét, chỉ đạo, nghiên cứu phương án sử dụng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng làm các công trình lấn biển. Tỉnh Bình Thuận sẽ khảo sát, chọn và đề xuất các bộ, ngành chức năng vị trí sử dụng vật chất nạo vét để lấn biển.
Trước đó, dự án nhận chìm bùn, cát nạo vét xuống biển gần Hòn Cau không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ở vị trí nhận chìm.
Cụ thể, dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam (công ty do ông Hà Quốc Quân, cán bộ Bộ Công Thương, làm tổng giám đốc, đã bị tạm đình chỉ) thực hiện ghi rõ căn cứ pháp lý để họ thực hiện dự án này là các quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đặc biệt là Công văn số 3519/UBND-KT ký ngày 29/7/2010 do một phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký.
Cụ thể công văn này nêu rõ:
"Đồng ý, không yêu cầu Ban quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân lập ĐTM riêng cho khu vực đổ thải vật liệu nạo vét cảng biển nước sâu Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân như đề nghị của Sở TN&MT".
Hệ lụy từ Quy hoạch điện VII
PGS.TS Ngô Quốc Bưu (Viện Công nghệ Môi trường — Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, hệ lụy của vấn đề xử lý chất thải nhiệt điện hiện nay là do hệ quả từ việc quy hoạch điện VII của Bộ Công thương gây ra.
PGS.TS Ngô Quốc Bưu cho biết:
"Bộ Công thương là đơn vị chủ trì phê duyệt dự án nhiệt điện Vĩnh Tân và đơn vị đứng ra điều tra tác động môi trường là Bộ TN&MT nên cả hai đều phải có trách nhiệm trong dự án này. Hiện nay, Viện Hải dương học Nha Trang đang tiến hành khảo sát điều tra lại, chắc chắn họ sẽ có kết luận về việc ảnh hưởng đến khu bảo tồn sinh học ở mức độ nào từ việc nhận chìm chất thải nhiệt điện xuống đáy biển".
PGS.TS Ngô Quốc Bưu nhận định:
"Ở nước ngoài, họ cũng chôn lấp rác thải ngoài biển, nhưng họ đưa ra rất xa bờ, có nơi cách bờ vài chục km chứ không gần bờ như ta làm hiện nay. Sinh khối của Việt Nam rất lớn, điều kiện khí hậu nhiệt đới làm cho điều kiện phát triển của sinh vật rất mạnh nên sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nước mình.
Bây giờ trên thế giới xu hướng giảm các dự án nhà máy nhiệt điện là phổ biến. Bởi nếu tính đến những tác động của môi trường do nhiệt điện gây ra thì sẽ thấy rằng giá không rẻ, thậm chí cực đắt. Đó là lý do mà người ta tìm cách hạn chế tối đa nhiệt điện".
PGS.TS Ngô Quốc Bưu bày tỏ lo lắng:
"Nhưng điều mà nhà khoa học băn khoăn nhất chính là công nghệ nhiệt điện này là do Trung Quốc chuyển sang. Đây mới là vấn đề quan trọng. Trung Quốc thì họ đã bắt đầu ngừng sản xuất nhiệt điện từ mấy năm nay rồi. Bởi vậy mà lực lượng công nhân của họ làm việc trong lĩnh vực này không còn việc làm nữa, nên họ buộc phải đưa ra nước ngoài, mà gần nhất là đưa sang Việt Nam. Vấn đề đáng buồn là chỗ đấy. Tôi cho rằng nếu hỏi bất kì nhà khoa học nào ở Việt Nam hiện nay thì họ cũng đều không ủng hộ việc đưa chất thải nhận chìm ra biển".
"Bộ Công thương là người đề xuất chuyện ấy. Nhưng ở góc độ môi trường thì Bộ TN&MT là đơn vị phải chịu trách nhiệm lớn trong chuyện này vì đã không làm đến nơi đến chốn", PGS.TS Ngô Quốc Bưu bày tỏ quan điểm.
Theo PGS.TS Ngô Quốc Bưu, hiện Tập đoàn Điện lực còn dự định tăng lên 5 nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân, đồng nghĩa với đó là lượng chất thải xả ra môi trường sẽ khoảng 2,4 triệu m3. Đây sẽ là sức ép cực lớn đối với môi trường.
"Nếu mỗi năm các nhà máy nhiệt điện này tiêu thụ 10 triệu tấn than thì chúng sẽ thải vào khí quyển đến 1 triệu tấn lưu huỳnh. Các chất khí thải này sẽ chuyển thành mưa axit sunfuric, lúc đó hậu quả mà nó để lại cho môi trường và sức khỏe của người dân là điều rất đáng lo ngại", PGS.TS Ngô Quốc Bưu nhấn mạnh.
Xử lý rác thải: Bài toán khó của Việt Nam
Theo thống kê của Bộ TN&MT, lượng chất thải rắn đô thị ở Việt Nam lên đến 11,5 triệu tấn/năm, dự báo đến năm 2020 là 30 triệu tấn/năm, năm 2025 là 40 triệu tấn1/năm. Hiện có khoảng 26 nhà máy xử lý chất thải rắn, tập trung tại các đô thị lớn, với tổng công suất thiết kế khoảng 5.000 tấn/giờ.
Sản phẩm sau xử lý chủ yếu là mùn hữu cơ, nguyên liệu để sản xuất gạch block. Hiện nay có 458 bãi chôn lấp, trong đó có 121 bãi hợp vệ sinh, số còn lại chôn lấp không hợp vệ sinh. Nhiều dự án xử lý rác đầu tư vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng rất ít dự án thành công, không phát huy được hiệu quả.
Trên thế giới, việc lựa chọn áp dụng công nghệ phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia. Tại Hà Lan 35% xử lý rác bằng công nghệ đốt, 60% chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Tại Nhật Bản 72,8% xử lý bằng công nghệ đốt, Mỹ 67% xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh có thu hồi năng lượng.
Riêng Trung Quốc trước năm 2000, hầu như xử lý chất thải đều bằng phương pháp chôn lấp, gần đây phát triển công nghệ đốt có thu hồi năng lượng.
Hiện có 7 quốc gia đã chuyển giao công nghệ vào Việt Nam. Một số thiết bị, công nghệ nhập từ một số nước tiên tiến như Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Đan Mạch, Bỉ, Pháp. Chủ yếu là công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ và công nghệ đốt.
Hiện có 5 công nghệ xử lý chất thải rắn của Việt Nam được Bộ Xây dựng công nhận gồm 2 công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ, 1 công nghệ MBT-CD.08 tạo viên nhiên liệu RDF và 2 công nghệ đốt.
Chiến lược xử lý rác thải của các quốc gia tiên tiến gồm giảm thiểu, sử dụng lại, tái sinh, nâng cao giá trị, thải bỏ. Tuy nhiên, chi phí để mua và sử dụng các công nghệ này rất đắt đỏ và tốn kém.
Việc tìm kiếm công nghệ xử lý rác phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện đang cấp bách để giải quyết lượng rác khổng lồ ngày càng gia tăng đang là bài toán khó mà Việt Nam phải đối mặt hiện nay.
Nguồn: VTC