Tham dự Lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Tham dự Lễ kỷ niệm có hàng nghìn đại biểu là các lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng…
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự chủ, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiền đồ tươi sáng của đất nước, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, ông bà, cha mẹ, người vợ, người chồng, người con, người cháu, anh chị em mãi mãi không bao giờ được gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Các anh hùng liệt sĩ, thương binh "đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi". Tiếng thơm của họ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh. Họ chiến đấu, hy sinh để Tổ quốc ta độc lập, tự do, thống nhất và dân tộc ta mãi mãi trường tồn. Tinh thần bất diệt, tấm gương sáng ngời của họ sẽ sống mãi với non sông Việt Nam.
Theo Tổng Bí thư, "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý truyền thống nghìn đời của dân tộc ta. Thấm nhuần đạo lý tốt đẹp đó và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ.
Năm 1946, khi nước nhà vừa mới giành được độc lập, Người đã ra "Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi" với lời lẽ giản dị mà chân thành, gây xúc động mạnh mẽ:
"Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi".
Năm 1947, trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Người, ngày 27/7/1947 — Ngày Thương binh toàn quốc được mở đầu bằng một cuộc mít tinh lớn tại Đại Từ, Thái Nguyên.
Từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Tổng Bí thư cho biết, 70 năm qua, nhất là trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng".
Tổng Bí thư cho biết, quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là đạo lý truyền thống của dân tộc ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: "Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước".
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng nhấn mạnh: "Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên".
"Để phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong suốt 70 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức xã hội cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó có Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 mới đây của Ban Bí thư "Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng" — Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.
Ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh… Đẩy mạnh phong trào xã hội hoá công tác người có công với cách mạng. Trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng.
Nguồn: VOV