Đây là một phần trong các thay đổi của đạo luật Farm Bill của Mỹ khi chuyển cơ quan quản lý cá tra từ FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm) sang USDA (Bộ Nông nghiệp).
Theo các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra, với thủ tục mới này, sản phẩm cá tra Việt Nam vào Mỹ đã khó lại càng thêm khó hơn.
Gắt gao với dư lượng hóa chất
Theo các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu, Mỹ là thị trường lớn nhất của cá tra xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, bất kỳ sự thay đổi nào về hàng rào kỹ thuật theo hướng siết chặt từ phía Mỹ cũng gây tác động tiêu cực cho ngành cá tra Việt Nam nói chung.
Giám đốc một công ty thủy sản tại Cần Thơ cho biết những năm vừa qua các doanh nghiệp Việt gặp rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu cá tra sang Mỹ, do thị trường này áp thuế chống bán phá giá ở mức rất cao.
Chưa hết, USDA cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát gắt gao hơn với chất lượng cá tra nhập khẩu vào thị trường này, theo đó, có ba vấn đề được tập trung kiểm tra là nhãn mác, các thông số ghi trên bao bì và dư lượng hóa chất.
Nhưng đây chỉ mới là bước đầu trong quá trình thực hiện đạo luật Farm Bill với cá tra. Vấn đề đáng quan tâm là chuyện phía Mỹ sẽ xem xét hồ sơ để đánh giá điều kiện sản xuất tương đương giữa nghề nuôi và chế biến cá tra của Việt Nam với Mỹ.
"Chỉ khi được xác định các điều kiện này tương đương nhau, cá tra Việt Nam mới được xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong thời gian tới" — vị này cho biết.
Theo ông Trương Đình Hòe — Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chính sách mới của Mỹ sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu cá tra trong thời gian tới.
Ông Hòe cho rằng thay đổi cơ bản nhất của chính sách mới là các lô hàng sẽ phải chuyển về các kho lưu trữ do Mỹ chỉ định (gọi là ihouse) để kiểm tra chất lượng trước khi thông quan.
"Chắc chắn các doanh nghiệp phải tốn thêm thời gian và chi phí để vận chuyển đến một kho do Mỹ chỉ định để kiểm tra chất lượng trước khi đưa về kho của mình" — ông Hòe nói.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty thủy sản Hùng Vương, cho rằng việc yêu cầu doanh nghiệp phải chuyển hàng về một kho trung gian do cơ quan Mỹ chỉ định, thay vì đưa về kho như trước chắc chắn sẽ gây ít nhiều khó khăn và các doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí và thời gian để vận chuyển đến kho mới.
Lý do là danh sách các kho được chỉ định chỉ có hơn 20 kho trên toàn nước Mỹ, cảng đến của các lô hàng cá tra Việt Nam có thể không gần với các kho này.
Tần suất lấy mẫu sẽ nhiều hơn
Ông Trương Đình Hòe cho rằng nếu chỉ căn cứ vào những thay đổi này mà cho rằng cá tra Việt Nam hết đường vào Mỹ là chưa chính xác, bởi các quy định mới này đã được cơ quan chức năng Mỹ thông báo từ lâu.
Hơn nữa, thời gian qua các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng đã có nhiều động thái để thích nghi.
"Chỉ cần đảm bảo chất lượng, hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được lưu thông bình thường. Xuất khẩu đi nước nào cũng phải chịu kiểm tra của các cơ quan chức năng nước nhập khẩu" — ông Hòe nói.
Hơn nữa, trước đây các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ cũng bị lấy mẫu kiểm tra với tần suất khác nhau tùy vào lịch sử kiểm định trước đó của doanh nghiệp.
Sau khi việc quản lý được chuyển giao từ FDA cho USDA, tần suất lấy mẫu tăng lên nhưng chỉ ở mức 20-30% tổng số lô hàng chứ không phải là 100% lô hàng.
"Sẽ không có chuyện tất cả các lô hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam sẽ bị lấy mẫu để kiểm tra như một số doanh nghiệp lo ngại" — ông Hòe khẳng định.
"Việc cho rằng cá tra Việt Nam hết đường vào Mỹ là không chính xác, bởi trước khi phía Mỹ áp dụng các quy định mới này, nhiều doanh nghiệp cũng đâu có xuất hàng được vào thị trường này" - ông Minh nói.
Dù khẳng định tất cả lô hàng xuất khẩu sang các thị trường đều phải tuân thủ các điều kiện an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, nhưng ông Minh thừa nhận việc cơ quan chức năng Mỹ có thể tăng tần suất kiểm tra với cá tra Việt Nam lên 20-30% tổng số lô hàng thay vì 5-10% như trước, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ chịu rủi ro cao hơn.
Lý do là ngoài nguồn nguyên liệu tự nuôi được kiểm soát 100% chất lượng, các doanh nghiệp cũng mua cá từ nông dân hoặc từ nguồn cá nuôi liên kết với nông dân.
"Các nguồn khác vẫn có rủi ro vì tình trạng nông dân sử dụng thuốc thú y để xử lý môi trường nuôi cá tra vẫn còn. Nếu cơ quan chức năng Mỹ kiểm tra và phát hiện có dư lượng chất cấm, nguy cơ lô hàng bị trả về là khó tránh khỏi" — ông Minh lo ngại.
Tuy nhiên, khi nâng cao các điều kiện kiểm tra chất lượng với cá tra VN, cá tra VN cũng bán được giá cao hơn.
"Giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ hiện ở mức trên 4 USD/kg, tăng 50% so với đầu năm, cho thấy người tiêu dùng Mỹ chấp nhận mức giá cao hơn cho sản phẩm chất lượng hơn" — ông Minh khẳng định.
Nông dân tự nuôi cá tra sẽ gặp khó
Với việc phía Mỹ tăng cường kiểm soát chất lượng cá tra nhập khẩu từ ngày 2-8, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra Việt Nam cho biết sẽ thận trọng hơn trong việc lựa chọn nguồn cá tra nguyên liệu trong chế biến để xuất khẩu sang thị trường này.
Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể chỉ lấy nguồn cá tự nuôi để chế biến và xuất khẩu sang Mỹ.
Các nguồn cá nuôi theo mô hình liên kết hoặc do nông dân tự nuôi, doanh nghiệp sẽ hạn chế mua hoặc chỉ mua để chế biến xuất khẩu sang các thị trường ít khó tính hơn với mức giá thấp hơn.
Điều này cũng đồng nghĩa người nuôi cá tra nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm và giá bán cũng thấp hơn.
Trong sáu tháng đầu năm 2017, theo VASEP, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt 176,4 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra số một của Việt Nam khi chiếm 21,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra nói chung.
Nguồn: Tuổi Trẻ Online