Cụ thể hơn, với xu thế chuyển đổi từ 2G lên 3G và 4G, Qualcomm đưa ra một nền tảng (platform) mới. Nền tảng này hỗ trợ những dịch vụ truyền thống như thoại và nhắn tin với chất lượng dịch vụ cao hơn rất nhiều so với các nền tảng trước đây.
Ngoài ra nó còn hỗ trợ được những ứng dụng mới trên nền tảng dữ liệu như các ứng dụng mạng xã hội. Điều này sẽ giúp những người ngại tiếp xúc với công nghệ mới có thể từng bước làm quen với dịch vụ dữ liệu. Và sau đó, họ có thể dần dần chuyển sang sử dụng những chiếc smartphone.
Theo nhận định của ông Thiều Phương Nam — Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ hay Indonesia, số lượng người dùng điện thoại cơ bản (feature phone) còn nhiều. Sở dĩ có điều này bởi không phải ai cũng có điều kiện sở hữu một chiếc smartphone. Bên cạnh đó, nhiều người có thói quen sở hữu một chiếc điện thoại cơ bản với bàn phím bấm.
Với bài toán này, một trong những yêu cầu đặt ra là về mặt kinh tế. Những chiếc điện thoại feature phone sử dụng được 4G này phải có giá dưới 30 USD, tương đương khoảng 700.000 đồng.
Ngoài việc cung cấp các dịch vụ thoại, nhắn tin thông thường, những chiếc điện thoại này phải cung cấp được một số ứng dụng cơ bản như Facebook, WhatsApp, Zalo. Tuy vậy, những ứng dụng này có thể sẽ ở dạng thấp hơn một chút so với các ứng dụng thông thường trên những chiếc smartphone.
Mẫu điện thoại mới sẽ cung cấp một sự lựa chọn cho những người bảo thủ và ngại tiếp xúc với công nghệ. Bởi vì trải nghiệm ứng dụng trên những chiếc điện thoại cơ bản sẽ rất khác so với những chiếc smartphone thông thường.
Điều này cũng có lợi cho các nhà mạng viễn thông bởi với việc có nhiều tính năng hơn trên một chiếc điện thoại cơ bản, người dùng cuối sẽ gia tăng mức độ sử dụng.
Thực tế này sẽ làm cho doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao của nhà mạng tăng lên. Bên cạnh đó, với các nhà mạng, họ muốn đẩy các thuê bao của mình lên 3G, 4G để giải phóng băng tần của 2G cho 3G, 4G. Đồng thời, giảm bớt chi phí vận hành mạng lưới.
Nguồn: VietnamNet