Đó là nhận định của các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước tại "Hội nghị toàn quốc về thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo" diễn ra ngày 28.7.
"Hồi sinh" nhà máy thủy điện
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết, theo mục tiêu đề ra đến năm 2020 Việt Nam phải có 265 tỉ kWh điện, đến năm 2030 phải có 570 tỉ kWh điện. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới có trên 170 tỉ kWh điện.
Vì vậy, để cân đối mục tiêu nêu trên, ông Ngãi cho rằng từ nay tới năm 2020 phải tìm ra các nguồn điện để bổ sung sản lượng điện thiếu khoảng 100 tỉ kWh vào năm 2020 và thiếu khoảng 300 tỉ kWh vào năm 2030. Cụ thể cần phải tính toán để khai thác các tiềm năng, các nguồn năng lượng trong nước còn có thể khai thác, đồng thời tìm các nguồn điện từ các nước trong khu vực cung cấp thêm điện cho Việt Nam như từ Lào, Campuchia, Trung Quốc…
Theo đó, Chủ tịch VEA đề xuất xem xét, cho đầu tư lại các dự án thủy điện đã bị loại bỏ trong những năm gần đây. Cụ thể, trong số các dự án còn có khả năng đầu tư tiếp, dự án nào có hiệu quả kinh tế, có công suất điện khá trên 30 MW trở lên thì nên tiếp tục cho đầu tư xây dựng, cung cấp điện cho các địa phương vùng sâu, vùng xa… với điều kiện đảm bảo quy trình lập đề án, hạn chế tối đa phá rừng.
Ông Ngãi cũng đưa ra tính toán nếu cho khai thác thêm 300 — 400 dự án thủy điện vừa và nhỏ nữa thì tổng công suất điện của thủy điện mới này sẽ đạt khoảng 3.000 MW đến 4.000 MW bổ sung vào hệ thống điện quốc gia. Hàng năm cung cấp khoảng 15 tỉ kWh điện, giải quyết phần điện năng thiếu hụt.
Với nguồn điện xuất phát từ thủy điện, tổng công suất hiện tại đạt khoảng 17.000 MW, tạo ra sản lượng điện khoảng 70 tỉ kWh/năm. Trong đó, có trên 300 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được xây dựng với công suất khoảng 70 tỉ kWh vào hệ thống lưới điện quốc gia. Theo đánh giá chung, các dự án thủy điện này đã đi vào vận hành ổn định. Nhiều dự án đã trồng lại rừng. Hầu hết dự án không ảnh hưởng tới tái định cư và đời sống của người dân thượng lưu cũng như hạ du.
Về năng lượng tái tạo, theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước tại hội nghị, tiềm năng các dạng năng lượng tái tạo ở nước ta được đánh giá là phong phú. Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: gió, mặt trời, sinh khối… cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu của chiến lược là năm 2020 đạt 11,7 tỉ kWh và năm 2030 đạt 88,4 tỉ kWh, cao hơn nhiều so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh năm năm 2020 là 5,8 tỉ kWh và năm 2030 là 43,5 tỉ kWh.
Theo ông Trần Viết Ngãi, kể cả trên thế giới, năng lượng tái tạo nên tập trung vào ba dạng là năng lượng gió, mặt trời và sinh khối. Đây là ba dạng có tiềm năng to lớn.
Năm 2015, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo nhưng cho đến nay mới có khoảng 100 MW điện gió, 15 MW điện mặt trời, 10 MW điện sinh khối.
"Có thể nói rằng những con số này hết sức nhỏ bé so với tiềm năng vô tận của nó. Nguồn năng lượng này là nguồn năng lượng sạch không gây ô nhiễm môi trường. Nếu như được khai thác ở mức cao, tận dụng hàng chục nghìn MW từ năng lượng mặt trời, gió và năng lượng sinh khối sẽ có thể đảm bảo cân đối nguồn điện cho nhiều thế kỷ tới và luôn luôn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", ông Ngãi cho hay.
Tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện
Do tính không hiệu quả, không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân nên nhiều dự án thủy điện hiện đang được Bộ Công Thương loại bỏ khỏi quy hoạch. Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương liên tục phối hợp với các tỉnh xem xét để loại khỏi quy hoạch 4 dự án thủy điện tại tỉnh Quảng Nam và Gia Lai.
Trong khi đó, phía UBND các tỉnh vẫn tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn quản lý để xem xét thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án đã quá hạn theo hạn trong Giấy chứng nhận đầu tư được cấp mà chủ đầu tư không triển khai thực hiện.
Các dự án thuộc danh mục được đầu tư trong giai đoạn 2015 — 2020 và đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư giai đoạn sau năm 2020 vẫn được tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả nghiên cứu đầu tư để có phương án điều chỉnh hợp lý hoặc xem xét thu hồi để loại khỏi quy hoạch theo đúng các yêu cầu trong Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội.
Được biết, Bộ Công thương vẫn đang tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, các công trình thủy điện đang vận hành khai thác, bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học.
Theo Motthegioi