Washington lấy làm tiếc về quyết định của Matxcơva giảm số lượng nhân viên cơ quan ngoại giao Mỹ tại Nga và đang suy nghĩ về phương cách đáp trả, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Sputnik.
"Biện pháp phi lý này thật là đáng tiếc. Chúng tôi đang đánh giá tác động ảnh hưởng của việc giảm nhân viên như vậy và làm thế nào để đáp trả lại. Trong thời điểm này, chúng tôi không đưa ra ý kiến bình luận nào khác", — đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố số lượng nhân viên cơ quan ngoại giao Mỹ ở Nga sẽ giảm 755 người, còn đúng bằng số nhân viên ngoại giao Nga tại Hoa Kỳ — 455 người. Tổng thống nhấn mạnh rằng hiện tại ông không ủng hộ việc hạn chế các hoạt động chung có tính chất "nhạy cảm" đối với Mỹ.
Vladimir Putin lý giải tại sao Nga đã phản ứng với dự luật trừng phạt của Mỹ. Ông lưu ý rằng phía Mỹ đã có một động thái vô cớ tiếp theo để làm suy thoái mối quan hệ với Matxcơva. Trong khi áp đặt những chế tài bất hợp pháp lên LB Nga, Mỹ đang cố gắng gây ảnh hưởng đến các nước khác trên thế giới, kể cả với các đồng minh của mình, những nước quan tâm đến việc phát triển quan hệ với Nga, Tổng thống nói.
"Chúng tôi đã chờ đợi khá lâu, có lẽ sẽ có một điều gì đó sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, với niềm hy vọng tình hình bằng cách nào đó sẽ thay đổi. Nhưng, thể theo mọi điều thì nếu có thay đổi, thì cũng sẽ không sớm", — nhà lãnh đạo Nga nói.
"Tôi hiện giờ không nói về tất cả các lý do mang tính chính trị nội bộ tại chính trường Hoa Kỳ. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta phải chứng tỏ rằng chúng ta không để yên sự việc như vậy mà không có phản ứng đáp trả", - Tổng thống Nga bổ sung.
Dmitry Ofitserov- Belsky, Phó Giáo sư Đại học tổng hợp Nghiên cứu Quốc gia thuộc Học viện Kinh tế cao cấp, trong cuộc phỏng vấn của Sputnik đã đánh giá phản ứng của Matxcơva là hoàn toàn hợp lý.
"Nước Nga cần phải chứng tỏ rằng, trước hết, chúng ta đã sẵn sàng đáp trả. Thứ hai, nếu Hoa Kỳ gây ra viễn cảnh leo thang xung đột, Nga sẽ có thể tồn tại vượt qua tình huống căng thẳng này và không chấp nhận từ bỏ vị trí của mình. Cuối cùng, tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao và nhân viên của đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva, về bản chất có nghĩa là Nga có thể làm mọi việc mà không cần tới quan hệ với Hoa Kỳ trên nhiều vấn đề. Bởi vì biện pháp này — không phải là phân biệt đối xử, nó không phá vỡ bất kỳ khía cạnh nào trong mối quan hệ của chúng ta. Nó chỉ đơn giản là biện pháp đóng băng quan hệ. Đây là ý nghĩa chính yếu của nó, ngoài tính biểu tượng", — Dmitry Ofitserov- Belsky cho biết.
Theo ý kiến của chuyên gia, Hoa Kỳ trong mọi hành động của họ, trước hết đều vì quyền lợi kinh tế của mình — và dự luật về biện pháp trừng phạt mới cũng không phải là ngoại lệ.
"Không phụ thuộc vào việc thế lực nào đang nắm quyền ở Hoa Kỳ, vẫn có rất ít sự thay đổi. Do đó, không cần thiết phải tức giận với người Mỹ vì chính sách mà họ đang theo đuổi, và cũng không nên nuôi dưỡng bất kỳ ảo tưởng nào… Bộ luật mới dự kiến sẽ nhằm đến, trong đó có các công ty năng lượng của Nga, để ngăn chặn việc tăng cường vị thế của Nga trên thị trường năng lượng châu Âu. Ý tôi là, trước hết, đó là dự án " Dòng chảy phương Bắc-2". Và, theo đó, Hoa Kỳ trong trường hợp này xuất phát từ quyền lợi kinh tế của mình, trong khi làm tổn hại tới lợi ích kinh tế châu Âu. Vì vậy, trong việc này, "không có gì cá nhân cả — chỉ thuần túy là lợi ích kinh doanh"", - Dmitry Ofitserov- Belsky suy luận.