Lễ mở cửa căn cứ hải quân — trung tâm hậu cần ở Djibouti vào đúng ngày kỷ niệm 90 năm quân đội Trung Quốc đã thu hút sự chú ý lớn sánh được với cuộc diễu binh có sự tham gia của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tại cuộc diễu binh này Trung Quốc đã lần đầu tiên giới thiệu nhiều loại vũ khí mới. Và căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài là một biểu tượng mới của việc Hải quân Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện trên đại dương thế giới. Các nhà quan sát cũng lưu ý đến một thực tế rằng, hai ngày trước đó, lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Trung Quốc, tàu khu trục tên lửa Hợp Phì và tàu khu trục nhỏ mang tên lửa dẫn đường Yuncheng đã tham gia Lễ diễu binh nhân Ngày Hải quân Liên bang Nga tại St Petersburg.
Trung Quốc đã và đang đầu tư rất nhiều vào sự phát triển của các nước châu Phi, kể cả vào Djibouti, vì thế không có trở ngại chính trị trong việc xây dựng những căn cứ quân sự ở đó. Đây là ý kiến của đại tá về hưu Mikhail Khodarenok, cựu trưởng nhóm Cục tác chiến số 1 Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga. Chuyên gia quân sự nhấn mạnh rằng, nếu lợi ích của Trung Quốc bị ảnh hưởng, đặc biệt các lợi ích sống còn của nước này, thì phản ứng quân sự của Bắc Kinh sẽ là thích hợp. Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Djibouti có tính cách địa chính trị:
"Trung Quốc có lợi ích địa chính trị và kỹ thuật- quân sự rất quan trọng ở châu Phi. Họ đầu tư mạnh vào châu Phi, và các khoản đầu tư phải được bảo vệ. Có lẽ, căn cứ ở Djibouti là bước đầu tiên trong quá trình thực hiện chiến lược mới của Trung Quốc — đảm bảo sự hiện diện quân sự ở các vùng khác nhau trên thế giới. Trung Quốc là một cường quốc tầm cỡ thế giới và các căn cứ được thành lập để phô trương sức mạnh quân sự của đất nước trong những khu vực khác nhau. Djibouti nằm ở ngã tư đường hàng hải. Đây là một địa bàn rất tốt để ảnh hưởng đến các khu vực trên lục địa châu Phi. Hiện nay căn cứ quân sự được gọi là trung tâm hậu cần. Theo tôi, trong tương lai ở đây có thể xuất hiện căn cứ hải quân với một sân bay, dù không phải hiện đại nhất nhưng sẽ xây dựng đường băng có khả năng tiếp nhận máy bay vận tải quân sự tất cả các loại. Djibouti chỉ là bước đầu tiên để tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên lục địa châu Phi".
Các nhà quan sát cho rằng, trong tương lai gần những trung tâm hậu cần tương tự của Hải quân Trung Quốc có thể xuất hiện ở Pakistan và Myanmar. Các chuyên gia quân sự không loại trừ rằng, nếu muốn, Trung Quốc có thể tận dụng các dịch vụ ở căn cứ quân sự Nga tại Tartus. Cho đến gần đây, căn cứ này giống như trung tâm dịch vụ hậu cần hải quân Trung Quốc ở Djibouti chỉ là trạm hậu cần Hải quân Nga ở Biển Địa Trung Hải.
Hiện nay ở Djibouti có các căn cứ quân sự của Mỹ và Pháp. Vào tháng 12 năm ngoái, Ả Rập Xê-út đã nhận được giấy phép xây dựng một căn cứ quân sự ở đây. Trong vài năm qua, Nhật Bản cũng hiện diện quân sự ở Djibouti.