TS. Bùi Thị An nhận xét, trong giai đoạn vừa qua, từ các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cho đến những đơn vị được giao trọng trách đã có phương pháp, trong quá trình điều tra thể hiện sự lắng nghe một cách đa chiều, sát thực về những sự việc liên quan.
"Do vậy, những kết luận hợp lòng dân hơn, khiến nhân dân tin tưởng hơn, mức độ xử lý sát với thực tế hơn, không phải như những giai đoạn trước, có những xử lý không tương xứng với khuyết điểm xảy ra và kết luận của cơ quan chức năng", — TS. An nhấn mạnh.
Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, bà An nêu quan điểm:
"Đã có một giai đoạn khá dài, việc quản lý cán bộ không chặt chẽ, quá trình đào tạo, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chưa chuẩn hóa, khâu giám sát công tác cán bộ rất yếu. Cho nên, một số đồng chí ở vị trí này, vị trí kia đã không chịu rèn luyện, tu dưỡng, mặc nhiên cho mình quyền làm tất cả những việc ngoài khuôn khổ pháp luật. Nhưng đến bây giờ, tôi tin rằng các cán bộ đương chức cũng sẽ thấy, việc xử lý cương quyết là bài học cho rất nhiều người, kể cả với những cán bộ đang được giao nhiệm vụ".
Nhìn nhận từ góc độ của người trong cuộc, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đang rất quyết liệt và đã thu được nhiều thành tích tốt.
"Cá nhân tôi làm việc trong một cơ quan chống tham nhũng thấy rằng, không ai có thể cản đường, không ngại bất cứ điều gì khi thực hiện công việc này, cũng không ai cám dỗ được. Mỗi người phải tự tu dưỡng rèn luyện, gương mẫu và trung thực để làm công việc này một cách hiệu quả", ông Đạt nói.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng:
"Nếu không biết sửa mình, cán bộ sai phạm, tham nhũng chắc chắn sẽ bị nhân dân, báo chí, công luận phát giác. Không có chuyện cán bộ "hạ cánh" an toàn mà kể cả đã về hưu vẫn bị xử lý".
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, dư luận đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Như Tổng Bí thư kết luận, vấn đề phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện nay đã trở thành phong trào, thể hiện rất rõ sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Chúng ta đã bắt đầu đi vào giai đoạn "đốt lò lửa" thiêu rụi tham nhũng, bởi vậy, không chỉ đốt củi khô mà củi tươi cũng có thể cháy.
Về những sự kiện mỡi nhất, xem xét kỷ luật các vụ án kinh tế lớn gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng thể hiệnkhông có vùng cấm trong quyết tâm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo, ông Lưu Bình Nhưỡng nhận xét: Đấu tranh PCTN không được làm có tính chất lẻ tẻ mà cần hệ thống: Lấy việc này làm cơ sở, nền tảng để giải quyết việc khác. Chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Tổng Bí thư đề cập rõ ràng, không có vùng cấm và xem xét cả sự móc xích giữa các việc tham nhũng với nhau, làm tổng thể nhưng cũng từng giai đoạn, đến khi nào chặt hết rễ, cành, các bộ phận của chuỗi "cây tham nhũng". Đây là một thông điệp được dư luận hết sức hoan nghênh.
Đi kèm với những chỉ đạo, kết luận là việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra xử lý một số cá nhân, kể cả cán bộ cao cấp. Điều này chứng minh việc làm tới nơi tới chốn của cơ quan chức năng. Rõ ràng, từ kết luận mang tính định hướng chính trị cho đến việc làm cụ thể đã có những chuyển biến cụ thể, tích cực, làm hài lòng quần chúng nhân dân, cũng như các tổ chức vẫn ngày ngày dõi theo việc xử lý của Đảng, Nhà nước.
Không phải bây giờ chúng ta mới "tuyên chiến", mà hiện nay chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, đại trà hơn.
Bất kỳ vụ việc nào, bất cứ xử lý nào cũng đều là lời cảnh tỉnh với tham nhũng. Nếu những người đang trong tình trạng đó mà không biết sửa mình, không thực hiện đúng đường lối, từ bỏ chủ nghĩa cá nhân thì chắc chắn sẽ bị nhân dân, báo chí, công luận phát giác và dứt khoát sẽ bị xử lý. Bởi đã có những việc như tấm gương trong thực tế. Không có chuyện cán bộ "hạ cánh" an toàn mà kể cả đã về hưu vẫn bị xử lý.
Nguồn: Nguoiduatin