Buộc phải xác minh tài sản khi bổ nhiệm
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cán bộ cao cấp đã bị xử lý, như vụ Trịnh Xuân Thanh, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa… Vấn đề đặt ra là, bài học kinh nghiệm gì về công tác cán bộ cần được rút ra từ các trường hợp này?
Theo TS. Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, giải pháp căn cơ nhất vẫn là vấn đề kiểm soát quyền lực. "Ai có quyền lực đều phải kiểm soát", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, tổ chức kiểm soát quyền lực phải toàn tâm, toàn ý, không chịu sự chi phối của bất kỳ quyền lực nào.
"Bản thân những người thực thi nhiệm vụ kiểm soát quyền lực cũng cần miễn dịch với những chỉ đạo, can thiệp, chi phối khác", ông Tuấn cho hay.
Đề cao việc lựa chọn cán bộ, rèn luyện cán bộ hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, theo TS. Tuấn, giải pháp quan trọng là thực hiện công khai tài sản của cán bộ vào thời điểm trước, trong và sau khi đảm nhận vai trò là lãnh đạo cấp cao.
"Một trong những điều kiện tiên quyết của đảng viên đó là phải trung thực, khai báo đúng sự thật trước Đảng. Cán bộ có khối tài sản kếch xù mà lại khai báo có vài tỷ thì không thể chấp nhận được. Thiếu trung thực thì không xứng đáng là đảng viên", ông Tuấn phân tích.
Về việc này, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt cho rằng, theo quy định hiện nay, khi có dấu hiệu như kê khai tài sản bất hợp lý, hoặc khi có đơn tố cáo về tài sản của cán bộ mới có căn cứ để kiểm tra.
Tuy nhiên tới đây khi sửa luật, một giải pháp mới được đưa ra là, những cán bộ trước khi được bổ nhiệm, cất nhắc thì bắt buộc phải xác minh tài sản, coi đó là điều kiện đề bạt.
"Bây giờ phải theo hướng nếu không trung thực trong kê khai thì không đủ điều kiện bổ nhiệm, đề bạt", ông Đạt cho hay.
Tài sản của cán bộ công chức tăng lên, có thể do kinh doanh hoặc làm việc này, việc khác, cũng có thể do bán nhà, đất, do bố mẹ để lại…
Tuy nhiên, dù vì lý do gì thì cũng phải giải trình rõ ràng để có căn cứ cho người ta xem xét rằng, với khối tài sản như vậy, giải trình về nguồn gốc tài sản của anh như thế có hợp lý không? Anh có 10 tỷ đồng mà bảo đi nuôi lợn, gà thì tài sản lấy đâu mà lắm thế?", ông Đạt nêu.
Cách chức, thu hồi tài sản, truy trách nhiệm liên đới
Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Trần Đại Hưng thì cho rằng, cần phải thu hồi được tài sản của những cán bộ vi phạm về cho nhà nước, chứ không thể kỷ luật là xong.
Ông Hưng dẫn dụ, với trường hợp như ông Vũ Huy Hoàng trước đây là Bộ trưởng Công Thương, việc cách những chức vụ đã qua khiến dư luận băn khoăn.
"Điều người dân quan tâm là làm sao phải buộc cán bộ vi phạm như ông Vũ Huy Hoàng phải khắc phục được hậu quả mà ông ấy đã gây ra. Cần xem xét có lợi ích gì đằng sau những hành vi của ông Vũ Huy Hoàng không? Có thu hồi được tài sản thất thoát hay không?", ông Hưng nêu.
Ngay trong vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, vừa xác định có vi phạm nghiêm trọng. Giờ cũng phải xem xét bà Thoa sai trong cổ phần hóa tại Công ty Điện Quang ra sao? Phải xem khoản nào bà Thoa lợi dụng chức vụ, hay làm không đúng quy định của Nhà nước để mà có biện pháp thu hồi.
"Nếu chỉ cách chức thôi thì chưa đủ. Nếu làm đúng ra thì phải xem lại trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác trong việc bổ nhiệm bà Thoa làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Bà Thoa đã "thao túng" quá trình cổ phần hoá tại doanh nghiệp như vậy thì tại sao lại được bổ nhiệm thứ trưởng?", ông Hưng nêu quan điểm.
Nguồn: tienphong