Các nước chúng ta phù hợp với nhau để hợp tác làm ăn, Nga và ASEAN đều cần đến hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
"ASEAN đã chứng minh được rằng, đây một liên minh khu vực có quyền lực ", — Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố tại cuộc gặp gần đây Nga-ASEAN ở Manila.
Nhưng, trong khi sự đối tác trong lĩnh vực chính trị giữa Nga và các nước ASEAN đang phát triển thành công trong nhiều lĩnh vực, chúng ta không thể nói như vậy về sự hợp tác kinh tế, khoa học-kỹ thuật và đầu tư. Mà hiện nay, Hiệp hội ASEAN là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới và có kế hoạch đến năm 2050 lên vị trí thứ tư.
Những con số thống kê
Tổng kim ngạch thương mại của Nga với các nước ASEAN đã đạt đỉnh điểm vào năm 2013 với 22,5 tỷ USD, trong khi đó kim ngạch thương mại với Trung Quốc đạt 400 tỷ USD, — Giáo sư Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện nghiên cứu Viễn Đông trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, cho biết. — Sau đó khối lượng trao đổi hàng hóa đã giảm đi, nguyên nhân là một số quốc gia thành viên Hiệp hội tiến hành thành công chính sách thay thế nhập khẩu, ngoài ra còn có một số nguyân nhân khác: phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt Nga, trong nền kinh tế Nga bắt đầu quá trình phi công nghiệp hóa, cũng như do khoảng cách địa lý xa xôi và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay, Singapore là đối tác thương mại chính của Nga trong khu vực ASEAN, trong năm 2015 kim ngạch thương mại giữa Nga và Singapore đạt 5,6 tỷ USD. Ở vị trí thứ hai — Thái Lan với 5 tỷ USD trong năm 2015. Ở vị trí thứ ba — Việt Nam. Nhưng, có sự chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu: theo Nga kim ngạch thương mại với Việt Nam trong năm 2016 đạt 3,9 tỷ USD, theo phía Việt Nam —2,2 tỷ USD, sự khác biệt đáng kể do thực tế rằng, Nga có tính đến các đợt cung cấp kỹ thuật quân sự. Vị trí thứ tư thuộc về Indonesia với 1,7 tỷ USD, Malaysia ở vị trí thứ 5 với 1,5 tỷ USD. Cần phải lưu ý rằng, cán cân thương mại Nga với tất cả các nước ASEAN ngoại trừ Việt Nam có thặng dư lớn, mức thặng dư gần 5,4 tỷ USD. Đặc trưng của Việt Nam là 2/3 tổng lượng xuất khẩu sang Nga là điện thoại thông minh, máy tính bảng và các tiện ích điện tử khác thay thế các loại hàng hóa tương tự của phương Tây trên thị trường Nga. Mặt khác, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất một số mặt hàng, chẳng hạn như kim loại và sản phẩm kim loại, mà trước đây Nga là nước duy nhất cung cấp sản phẩm này cho Việt Nam.
Cây cầu nối Nga với ASEAN
Theo các chuyên gia Nga, việc tạo ra khu vực thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á Âu và Việt Nam đã mở ra cơ hội mới để phát triển quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Nga và các thành viên khác của Hiệp hội ASEAN.
Gần đây, — Giáo sư Mazyrin cho biết, — Việt Nam đã trở thành một cơ sở thực nghiệm cho thấy sự hợp tác với Nga dẫn đến kết quả như thế nào. Để các nước ASEAN khác thấy rõ rằng, Nga đang làm việc một cách hiệu quả, công bằng, trên cơ sở bình đẳng, mà không áp đặt bất kỳ điều kiện bổ sung, khác với, ví dụ, Trung Quốc, nước ép các đối tác sử dụng lao động Trung Quốc.
Một số nước ASEAN đã thể hiện sự quan tâm đến hoạt động chung với Nga trong lĩnh vực xây dựng nhà máy điện, khai thác khoáng sản, đặc biệt là dầu khí, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Dự án xây dựng đường ống dẫn với sự tham gia của Nga từ thành phố Đà Nẵng của Việt Nam qua Lào sang Campuchia và Myanmar đang trong quá trình thảo luận. Manila có ý định gia tăng khối lượng than, dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga cũng như thuê một số lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ của Nga để đặt trên lãnh thổ Philippines. Các công ty Nga quan tâm đến các dự án chung với Philippines về xây dựng các tuyến đường sắt và cây cầu, sẵn sàng đầu tư vào cơ sở sản xuất ống dẫn khí và bình chứa khí đốt tại Philippines. Thỏa thuận về hợp tác quân sự-kỹ thuật với Philippines đang ở giai đoạn cuối cùng. Thái Lan và Nga đang nghiên cứu khả năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân hòa bình, trong lĩnh vực giao thông vận tải và trong nông nghiệp.
Theo các chuyên gia Nga, hiện có điều kiện thuận lợi để đưa sự hợp tác kinh tế Nga-ASEAN lên mức độ chiến lược.
Đàm đạo với với Sputnik, chuyên gia Việt Nam về các vấn đề ASEAN Phạm Nguyên Long, đặt hợp tác trong vấn đề an ninh lên hàng đầu.
Ông phân tích: "Điểm nổi bật mới trong lập trường của Nga là đánh giá đúng đắn về vai trò của ASEAN. Đó là lập trường công nhận rằng, ASEAN là trung tâm giải quyết vấn đề an ninh tại toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản, cũng như Ấn Độ thể hiện sự chú ý đặc biệt đến ASEAN. Họ muốn tình hình Biển Đông vượt ra khỏi khủng hoảng, mà nhất là họ muốn tìm cách giảm thiểu sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực này. Vậy Nga có thể ảnh hưởng đến tình hình như thế nào? Ba nước kể trên, cũng như Úc, đều muốn Nga giữ vị trí trung lập và không thiên về phía Bắc Kinh trong nội dung quan hệ với ASEAN và Biển Đông.
Trong khi đó, vấn đề với chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ở miền Nam Philippines trên đảo Mindanao các chiến binh Hồi giáo cực đoan liên hệ với IS đang ráo riết hoạt đông gây căng thẳng. Tất cả các nước trong khu vực, kể cả bản thân Philippines, đều sẵn sàng hợp tác với Nga về vấn đề chống khủng bố. Bởi vì Nga đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú và hiệu quả trong cuộc đối đầu với IS ở Trung Đông và chống các phần tử Hồi giáo cực đoan ngay trên lãnh thổ nước mình. Trung Quốc không đủ sức giúp Philippines vì cũng đang phải đối mặt với vấn đề chủ nghĩa khủng bố ở Tân Cương (Đông Turkestan), mà cho đến nay Bắc Kinh chưa thể giải quyết nổi. Vấn đề này rất phức tạp. Vì vậy, như tôi đã từng phát biểu trước đây, sự tham gia của Nga trong quá trình giải quyết các vấn đề an ninh khu vực là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Mặt khác là kinh tế. Do những nguyên nhân khách quan, Nga không thể thâm nhập vào ASEAN bằng biện pháp kinh tế. Nhưng, cần tính đến vị thế đặc biệt của Nga trong quan hệ với Việt Nam. Cụ thể, về Cam Ranh. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, đặc biệt là Nga hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của địa điểm này. Trung Quốc có thể hiểu nhưng không sâu sắc như Nga. Không nên quên rằng, người Nga rời khỏi Cam Ranh muộn hơn cả — vào đầu thế kỷ 21".
Chuyên gia Việt Nam cũng cho rằng, nếu Nga muốn hợp tác trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật với ASEAN, thì con đường tốt nhất là thông qua Việt Nam. Bởi Nga là nhà xuất khẩu vũ khí cho các nước trong khu vực. Không có gì bí mật là một trong những đối tác chính của Nga trên bình diện này Việt Nam — một thành viên uy tín của ASEAN.