Những rắc rối pháp luật nghiêm trong với giới đại gia dấy lên câu hỏi cho nhiều người: Nguyên nhân gì khiến các đại gia Việt vướng vòng lao lý thường xuyên? Phải chăng Việt Nam tồn tại một hệ sinh thái kinh doanh đặc thù, trong đó bạn biết làm/có khả năng gì, chưa quan trọng bằng việc bạn biết ai?
Đại gia Việt là ai?
Thực ra, khái niệm đại gia của Việt Nam cũng chưa thật sự thống nhất, phần nhiều gắn liền với tiếng xấu. Họ thường gắn với hình ảnh những người giàu có từ buôn bán và kinh doanh nhờ quan hệ với giới quyền lực để nhận được ưu ái cá nhân, kiếm tiền không minh bạch, hơn là những người làm giàu thông qua tạo ra những giá trị gia tăng cho xã hội và kinh tế, như những hình mẫu tỷ phú tự thân trong nền kinh tế tri thức hay cách mạng công nghệ 4.0 mà người ta hay đề cập gần đây.
Nói cho công bằng trên thế giới, các nước phát triển cũng từng trải qua giai đoạn như vậy. Những doanh nghiệp giàu có, tập đoàn lớn quốc tế cũng phải vất vả vượt qua thời kỳ "chủ nghĩa tư bản thân hữu" ban đầu, để có sự phát triển như hôm nay.
Đơn cử như nước Mỹ, để đạt đến sự phát triển của cách mạng công nghệ ngày nay, xã hội Mỹ đã từng trải qua thời tư bản rừng rú. Chắc không nhiều người Việt biết những cái tên tỷ phú Mỹ đình đám như Rockefeller, JP Morgans, Schawb, Vanderbilt, Carnergie… đã có thời là các ông chủ được liệt kê vào danh sách "robber barons — những đại gia cướp bóc".
Vấn đề là cùng với sự phát triển của xã hội, kinh tế và đặc biệt là pháp luật, kiểu kinh doanh của thời "tư bản thân hữu" đã dần phải đi vào diệt vong trong những quốc gia mà pháp quyền (rule of laws) được thực sự tôn trọng".
Ở Việt Nam, quá trình tích lũy tư bản và phát triển kinh tế thị trường chỉ mới bắt đầu 30 năm trở lại đây. Trong khi năng lực quản trị, xây dựng doanh nghiệp của các doanh nhân Việt Nam chưa phát triển đến tầm có thể cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp quốc tế.
Cùng với đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn chưa minh bạch, thiếu tính có thể dự đoán và còn thiếu vắng sự công bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận cơ hội và nguồn lực kinh doanh. Vì thế, doanh nghiệp khó tự lực phát triển bằng khả năng của mình, mà không cần dựa vào những mối quan hệ.
Điều này có nghĩa là các điều kiện làm giàu một cách chính đáng ở Việt Nam chưa tốt. Để làm giàu một cách nhanh chóng, một số người chọn con đường trục lợi một cách bất chính bằng quan hệ.
Nói một cách khác, trong cơ chế và với những thói quen cũ, doanh nhân được điều kiện hóa để dễ dàng tặc lưỡi: "Ai cho tôi làm giàu lương thiện".
Có thể nói, con đường dẫn đến các rắc rối pháp luật và lao lý của những đại gia Việt đã được đào bằng những nhát cuốc của cả cá nhân đại gia lẫn thể chế kinh doanh. Hầu hết đại gia dính đến lao lý ở Việt Nam là kết quả của những mối quan hệ và hành vi không minh bạch của mình.
Đến lúc xem lại tầm nhìn?
Cái họ chưa đủ là tầm nhìn xa hơn một nhiệm kỳ của các vị thân hữu. Muốn kinh doanh làm ăn phát triển lâu dài, doanh nghiệp phải tôn trọng pháp luật, xây dựng mô hình kinh doanh trên nền tảng pháp luật.
Bởi ngay ở cả trong những quốc gia mà pháp quyền chưa được tôn trọng và thực thi đúng mức, pháp luật vẫn là nền tảng duy nhất sẽ trường tồn, không phụ thuộc nhiệm kỳ.
Đó cũng là lý do vì sao những tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn có lịch sử phát triển lâu dài và tầm nhìn xa hơn một vài nhiệm kỳ thận trọng trong quan hệ. Họ duy trì cân bằng trong quan hệ với giới quan chức, tuyệt đối tránh vi phạm pháp luật và không lệ thuộc nhóm nào.
Hơn ai hết, các ông chủ lớn cũng cần khả năng có thể đoán trước của pháp luật. Để có thể đạt mức "vĩ đại", tầm nhìn của một doanh nghiệp phải là hàng chục, thậm chí hàng trăm năm chứ không chỉ giới hạn gắn chặt với nhiệm kỳ nào đó.
Điều đó, 30 năm hậu Đổi mới có lẽ cũng không là quá sớm để bắt đầu.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một luật sư làm việc tại TP.HCM.
Nguồn: Zing