Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố bản cáo bạch — tài liệu bắt buộc khi niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán, theo đó, thông tin về cổ đông trước ngày lên sàn của VPBank đã được tiết lộ.
Cụ thể, hiện cổ đông trong nước đang nắm giữ tổng cộng 72,35% cổ phần của VPBank, trong đó 23,48% thuộc về 26 cổ đông tổ chức và 48,87% thuộc về 2.376 cổ đông cá nhân.
Cổ đông nước ngoài hiện đang nắm giữ tới 22,34% cổ phần VPBank, thuộc về 78 cổ đông tổ chức. Hiện VPBank không có cổ đông cá nhân nước ngoài.
Còn lại là cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi cổ tức (5,21%) và công đoàn VPBank (0,1%).
Đáng chú ý, hiện VPBank hoàn toàn không có cổ đông lớn (nắm giữ trên 5% cổ phần), cũng không có cổ đông sáng lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 38 ngày 10/7/2017.
Mặc dù vậy, nhiều lãnh đạo của VPBank cùng người nhà hiện đang trên 5% cổ phần VPBank, đồng nghĩa nắm quyền cổ đông lớn.
Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng hiện đang nắm giữ 70,2 triệu cổ phần VPBank, tương đương 4,997% vốn điều lệ. Mẹ của ông Dũng hiện đang nắm giữ 66,5 triệu cổ phần, tương đương sở hữu 4,734%. Vợ của ông Dũng hiện cũng đang nắm giữ tới 67,9 triệu cổ phần, tương đương 4,831%.
Tựu chung, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cùng người nhà hiện đang nắm giữ tổng cộng 204,7 triệu cổ phần VPBank, tương đương tỷ lệ sở hữu trên 14,5%.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Hải Quân hiện đang nắm giữ 35,7 triệu cổ phần, chiếm 2,545%. Nếu tính cả 66,3 triệu cổ phần vợ ông Quân đang nắm giữ, tổng lượng cổ phần của vợ chồng ông Quân nắm giữ là 102,1 triệu cổ phần, tương đương sở hữu trên 7,2%.
Một lãnh đạo HĐQT khác của VPBank là Phó Chủ tịch Lô Bằng Giang hiện đang trực tiếp nắm giữ 1,8 triệu cổ phần VPBank. Tuy nhiên, mẹ ông Giang hiện đang nắm giữ tới 64,5 triệu cổ phần (chiếm 4,593% vốn điều lệ), vợ ông Giang cũng nắm giữ tới 46,5 triệu cổ phần (chiếm 3,311 vốn điều lệ) và chị ruột ông Giang nắm 1 triệu cổ phần.
Như vậy, Phó Chủ tịch Giang cùng người nhà hiện đang nắm tổng cộng 114 triệu cổ phần VPBank, chiếm trên 8,1% vốn điều lệ.
Nếu tính theo giá chào sàn 39.000 đồng/cổ phần, tổng tài sản của Chủ tịch Ngô Chí Dũng cùng người nhà lên đến 7.983 tỷ đồng; tổng tài sản của Phó Chủ tịch Bùi Hải Quân cùng người nhà lên đến 3.981 tỷ đồng; tổng tài sản của Phó Chủ tịch Lô Bằng Giang cùng người nhà lên đến 4.446 tỷ đồng.
Được biết, cả 3 lãnh đạo HĐQT của VPBank đều lập nghiệp tại các nước Đông Âu (Nga, Ucraina). Ông Ngô Chí Dũng công tác tại Matxcơva, Liên Bang Nga từ năm 1992 và từng là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KBG Group (Liên Bang Nga) giai đoạn 2007 — 2009.
Ông Bùi Hải Quân làm giám đốc một công ty tại Kiev, Ucraina từ năm 1993 đến năm 1998, sau đó ông Quân về Việt Nam rồi trở thành thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Các Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh Việt Nam (tiền thân của VPBank) năm 2006 và trở thành Phó Chủ tịch VPBank từ năm 2008 đến nay.
Trong khi đó, ông Lô Bằng Giang có thời gian khá dài công tác tại Ucraina. Năm 1995, ông Giang là Tổng giám đốc Công ty Finman của Ucraina. Đến tận năm 2012, ông Giang vẫn giữ cương vị Trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng Delta Bank, Ucraina. Tuy nhiên trước đó, năm 2010, ông Giang đã tham gia HĐQT VPBank và trở thành Thành viên HĐQT kiêm Phó Chủ tịch.
Đông Âu từ lâu đã được xem là cái nôi của tỷ phú Việt. Những người giàu nhất sàn chứng khoán hiện nay như ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet) hay ông Nguyễn Đăng Quang (Masan) đều lập nghiệp tại Đông Âu.
Ngoài ra, với các doanh nghiệp chưa niêm yết, có thể kể đến một số đại gia cũng lập nghiệp tại Đông Âu như ông Lê Viết Lam (Sungroup), ông Hồ Hùng Anh (Techcombank) hay ông Nguyễn Cảnh Sơn (EuroWindow).
Nguồn: vietnamfinance.vn