Nhiều CSGT và cảnh sát cơ động đã được điều đến để bảo đảm an ninh trật tự.
Trạm thu phí Cai Lậy đã phải xả trong khoảng 7 tiếng đồng hồ, tính từ 17h ngày 13/8. Đến rạng sáng 14/8, trạm thu phí Cai Lậy mới hoạt động bình thường.
Trước đó, cả đoàn tài xế khi qua trạm tiếp tục dùng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng trả phí. Báo Thanh niên mô tả, có tài xế vừa đưa từng tờ tiền vừa chất vấn nhân viên trạm, nhiều tài xế thì quay đầu xe nhiều lần để dùng tiền lẻ mua vé qua trạm, nhiều tài xế đi từ hướng TP.HCM về miền Tây cũng trả tiền lẻ khiến giao thông hai chiều kẹt cứng.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Bon (Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang) đề nghị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng kiến nghị với Bộ GTVT để giảm giá tại trạm Cai Lậy trong thời gian tới.
Trong 20 phút làm việc, ông Thắng cam kết sẽ tập hợp tất cả các kiến nghị để báo cáo Bộ GTVT, từ đó có những xử lý phù hợp.
Trước câu hỏi "Quốc lộ 1 là tuyến đường cũ được đầu tư bằng nguồn bảo trì, tại sao không lấy nguồn bảo trì để làm?", ông Nguyễn Mạnh Thắng thông tin:
"Tổng số đường quốc lộ có 24.000km, nhưng kinh phí bảo trì chỉ đáp ứng được 50%".
"Chúng ta biết công tác bảo trì là chỗ nào hư hỏng cục bộ thì chúng ta phá, sửa để làm lại. Với những chỗ hư hỏng nhiều, với kinh phí từ 5, 10 đến 20 tỉ đồng. Còn đối với tuyến đường dài 26,5km này thì nó cần kinh phí hơn 300 tỉ đồng thì không có nguồn bảo trì nào đáp ứng nổi", nguồn trên dẫn lời Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Huyện (Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam) chia sẻ trên báo Vietnamnet, cần nghiên cứu khi có bất cập phí cao, Bộ GTVT sẽ cùng địa phương giải quyết sau khi có khảo sát số xe trong vùng ảnh hưởng qua trạm thu phí Cai Lậy.
Nguồn trên dẫn lời Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay, nhà đầu tư đã bỏ tiền nâng cấp đường cũ nên việc họ đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 là "để đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư".
Vị này khẳng định sẽ giải quyết các vấn đề theo đúng luật.
Nguồn: Trí Thức Trẻ