Cuộc đua giảm giá
Ngày 1/8, trước sự "hỗn loạn" về giá của các đại lý, Thaco đã công bố "thống nhất" một mức giá chung (hầu hết đều có sự điều chỉnh giảm) trong hệ thống đại lý toàn quốc đối với cả 3 thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot đồng thời kèm theo 1 thông điệp: "Đây là mức giá thấp nhất mà Thaco đưa ra, sẽ không còn một chương trình ưu đãi nào khác như trước đây". Nhưng chỉ ít ngày sau đó, ngày 9/8 Thaco đưa ra công bố giảm giá (từ 31 triệu đồng đối với từng phiên bản) cho mẫu xe đang dẫn đầu phân khúc CX5.
Cùng với việc giảm giá, khách hàng mua xe sẽ có thêm một lợi ích khác khi sở hữu xe đó là lệ phí trước bạ cũng giảm theo tỉ lệ mà mức giá hãng công bố.
Cũng giảm giá, nhưng theo hình thức khác, ít có lợi hơn cho khách hàng, đó là tặng tiền mặt khi mua xe. Tuy không giảm giá bán, nhưng mức tặng tiền của các hãng cũng khá ấn tượng.
Đơn cử như: GM Việt Nam vẫn duy trì các mức tặng tiền cho mẫu bán tải Colorado là 20 —70 triệu đồng, Cruze là 50 — 70 triệu đồng, Aveo là 30 triệu đồng, Captiva là 24 triệu đồng… Còn Toyota Việt Nam giữ nguyên mức hỗ trợ cho các mẫu Vios và Altis lần lượt là 40 triệu đồng và 30 triệu đồng. Hyundai Thành Công tặng cho hai mẫu xe lắp ráp trong nước là Elantra và SantaFe từ 50 —70 triệu đồng… Tặng lớn hơn là Mitsubishi Việt Nam với Pajero Sport là 146 — 170 triệu đồng, Attrage và Mirage là 50 — 65 triệu đồng, mẫu xe bán tải Triton lại được tặng phiếu mua nhiên liệu với số tiền từ 18 — 46 triệu đồng.
Có thể thấy thị trường đang "loạn" trong cơn sốt điên cuồng của cuộc chiến giảm giá và các hãng xe dường như đang rất lúng túng trong hoạt động kinh doanh ở thời điểm mấu chốt này.
Vì sao?
Cơn lốc giảm giá chỉ đến từ phân khúc xe bình dân với các mẫu xe và thương hiệu đang có sự tranh giành khốc liệt về thị phần.
Nhìn lại thị trường trong 7 tháng qua, và lùi xa hơn nữa năm 2016, sẽ thấy nguyên nhân chính của cuộc đua giảm giá là cuộc chiến giành thị phần, trước tiên đến từ 2 thương hiệu lớn là Thaco và Toyota Việt Nam.
Khởi đầu từ Thaco, doanh nghiệp nắm trong tay 3 thương hiệu ô tô lớn, trong đó có 2 thương hiệu ô tô ở phân khúc bình dân là Kia, Mazda. Để nhanh chóng đạt được mục tiêu về số lượng, cũng như vượt qua "ông lớn" Toyota Việt Nam đang dẫn đầu thị phần xe du lịch, từ năm 2015, Thaco bắt đầu giảm giá các mẫu xe, trước là Kia, sau là Mazda. Kết thúc năm 2016 Thaco vượt qua Toyota trở thành hãng bán nhiều xe du lịch nhất Việt Nam, chiếm thị phần 24,1%.
Giật mình hơi muộn, giữa năm 2016, Toyota Việt Nam mới tính đến chuyện giảm giá, điều mà liên doanh này chưa từng làm tại thị trường Việt Nam, để giữ thị phần.
Năm 2017, sau chiến dịch giảm lợi nhuận, giảm giá, vươn lên dẫn đầu thị trường, Thaco bắt đầu ngừng giảm giá với lý do giá đã giảm hết mức, thậm chí là lỗ. Cuối tháng 5/2017, trong lễ ra mắt Mazda 3, ông Bùi Kim Kha, Phó tổng giám đốc Thaco đã tuyên bố "không thể giảm hơn được nữa".
Nhưng đối thủ của Thaco, Toyota Việt Nam, trong tháng 5/2017 đã đưa ra một bảng giá mới, với mức giá giảm sâu ở hầu hết các mẫu xe. Kết quả, qua 7 tháng 2017, Toyota Việt Nam vượt qua Thaco, lấy lại vị trí dẫn đầu với 23,4% thị phần, Thaco là 19,8%.
Và vậy là Thaco không thể rút chân ra khỏi cuộc chiến giảm giá mà mình đã khơi mào. Đầu tháng 8, bảng giá mới, có tính thống nhất trong toàn quốc của Thaco được đưa ra với thông điệp "đây là thấp nhất rồi" nhưng Honda Việt Nam, vốn đang muốn đẩy mạnh bán ô tô tại Việt Nam, đã công bố giảm cả trăm triệu cho 3 mẫu xe chủ lực của mình. Lý do này buộc Thaco ngày 9/8 quyết định giảm giá xe CX-5 để giữ vững vị trí dẫn đầu phân khúc mẫu xe này.
Ngoài lý do thuế NK trong khu vực giảm, thị trường bất ổn, chính sách chưa rõ ràng… cuộc chiến giảm giá còn có nguyên nhân là các hãng đang phải chịu sức ép rất lớn về doanh số. Trước đó, cuối năm 2016, với tốc độ tăng trưởng đầy phấn khích của thị trường ô tô, các hãng đều xây dựng kế hoạch kinh doanh khá "hoành tráng" với mức tăng trưởng thấp nhất là 10% cho năm 2017. Theo kế hoạch đó, hàng hóa, linh kiện lắp ráp đã được đặt hàng và NK. Nhưng trái với dự kiến, thị trường ô tô 7 tháng qua không những không tăng trưởng mà còn giảm, lượng hàng tồn ngày một lớn buộc các hãng cũng như đại lý phải tìm mọi cách tiêu thụ sản phẩm.
Bao giờ ngừng giảm?
Một câu hỏi được đặt ra, tiếp theo sẽ là mẫu xe nào, hãng xe nào đưa ra thông báo giảm giá và cuộc chiến giảm giá này bao giờ ngừng. Câu hỏi này không dễ trả lời.
Mọi dự đoán, thông thường, đều dựa trên các phân tích kinh tế (giá thành, lỗ lãi, doanh số, thị phần…), những thông tin về chính sách sẽ có tác động tới giá bán… Nếu như vậy, giá ô tô không thể giảm được nữa.
Nhưng thực tế cho thấy giá trên thị trường ô tô giờ không còn nằm trong tay doanh nghiệp, mà đang ở quyền của người tiêu dùng. Giảm hay không do người tiêu dùng quyết định (?).
Bởi, dù giảm giá mạnh nhưng thị trường ô tô đang tiêu thụ không được như mong muốn. Về lợi nhuận, các hãng đều đang nghiến răng giảm lợi nhuận đến mức thấp nhất, thậm chí lỗ, nhiều đại lý khốn khó đứng trước khả năng đóng cửa. Về số lượng 7 tháng đầu năm, lượng xe bán ra giảm 6%. Trong khi dự báo lạc quan của VAMA từ cuối năm ngoái là năm 2017 thị trường ô tô sẽ tăng trưởng vào mức 10% và các hãng cũng đều "tính" vậy.
Tăng trưởng 10% sẽ khó thực hiện được, quan trọng các hãng đều cần phải tiêu thụ cho hết lượng sản phẩm, linh kiện lắp ráp đã NK theo kế hoạch tăng trưởng lạc quan đã được tính trước cả năm của mình. Chưa nói đến, theo kế hoạch (cũng được tính trước cả năm), năm 2018, các hãng đều có nhiều mẫu xe mới mang về Việt Nam. Vì vậy các mẫu xe cũ, phiên bản cũ, cần nhanh chóng được tiêu thụ hết.
Vì vậy nếu khách hàng chưa tích cực mua, các hãng sẽ còn phải giảm, kể cả hy sinh lợi nhuận để đạt được mục tiêu doanh số và thị phần. Ở thời điểm hiện tại, bán được bao nhiêu xe mới là quan trọng nhất; ai nhanh chân chiếm được thị phần lớn mới là mấu chốt.
Vì vậy dự đoán một đợt giảm giá nữa sẽ diễn ra vào tháng 10, 11 khi các hãng và đại lý cần "chốt" doanh số bán hàng trong năm, nhất là năm 2017, bởi 2018 thuế NK xe trong khu vực ASEAN xuống 0%. Thậm chí nếu tiêu thụ không sáng sủa, giá xe sẽ vẫn giảm vào 1-2 tháng đầu năm 2018.
Vậy nên hiện dù giá nhiều dòng xe đã giảm sâu, đây là thời điểm mua xe khá tốt. Nhưng nếu không cần mua xe ngay, khách hàng vẫn có thể nghĩ đến việc "chờ".
Nguồn: Báo Hải Quan