Ông David Wroth, Giám đốc An toàn Công cộng của UL, cho biết mặc dù Việt Nam mỗi năm để xảy ra hàng ngàn vụ tai nạn lao động, nhưng với sự đầu tư phát triển kinh tế mạnh mẽ và những quy định cải cách đã góp phần thúc đẩy những cải tiền mới về tổng thể tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam.
Nhìn chung, giá trị Chỉ số an toàn của Việt Nam được cải thiện liên tục từ năm 2000 cho đến nay, chủ yếu do các luật được ban hành nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động. Tuy nhiên, Việt Nam thể hiện kết quả chỉ số an toàn ở mức tương đối bởi số liệu thương tích do tan nạn đang ở mức thấp, chỉ tăng nhẹ qua từng năm.
Cụ thể, thương tích do tai nạn giao thông, té ngã, chết đuối và các sự cố khác chiếm đa số trong danh sách thương tích không chủ ý, tiếp tục trở thành thách thức chính đối với Việt Nam.
Để khắc phục các vấn đề tồn đọng, UL khuyến nghị Việt Nam phải thực hiện cải thiện tiêu chuẩn phương tiện giao thông, tăng cường thực thi không uống rượu khi lái xe, thắt đai an toàn khi lái xe (kể cả người lớn lẫn trẻ em) và không sử dụng điện thoại khi lái xe.
Theo đó, Việt Nam phải tích cực hợp tác, giữa các Chính phủ với các cơ quan ban ngành và các tổ chức tiêu chuẩn về quốc tế, như UL để xây dựng một bộ luật an toàn dựa trên mô hình khoa học, từ đó đưa ra các giải pháp về phòng chống và ngăn ngừa tai nạn trong tương lai.
Hiện nay, UL là một công ty khoa học toàn cầu và chuyên soạn thảo các bộ luật an toàn cho trên 187 quốc gia. Tại Việt Nam, do đây là nước chuyên về phát triển kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, theo đó UL hoạt động tại Việt Nam chuyên về lĩnh vực thương mại.
Cụ thể, hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng tiêu dùng để đưa ra các chỉ số an toàn, thẩm định theo tiêu chuẩn UL để tạo niềm tin cho khách hàng cũng như đủ tiêu chuẩn có thể xuất hàng đi các nước trên thế giới.
Ngoài tập trung soạn thảo bộ tiêu chuẩn trong hoạt động kinh doanh thương mại, UL tại Việt Nam cũng đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam xây dựng các bộ luật tiêu chuẩn về an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) (hiện đã có thỏa thuận hợp tác từ năm 2017 nhằm hỗ trợ kế hoạch đào tạo), như áp dụng các điều luật về PCCC, kiểm nghiệm các thiết bị cháy và chứng nhận các an toàn cháy.
Thêm nữa, UL cũng nghiên cứu về phòng chống các thiết bị PCCC, các đám cháy và hành vi trong vụ cháy để phát hiện mang tính khoa học về cháy, từ đó hỗ trợ phương thức chữa cháy, sản xuất thiết bị cháy và chữa cháy sao cho phù hợp với thực tiễn; đồng thời, giáo dục cho các cảnh sát PCCC, người dân hiểu biết về phòng và chữa cháy. Hiện UL đã đưa các chương trình PCCC bằng những thước phim hoạt hình để giáo dục trong dân, trong đó tập trung là trẻ em.
Song song đó, UL cũng hợp tác với Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 để xây dựng các bộ luật về đo lường chất lượng cũng như hỗ trợ doanh nghiệp về kiểm nghiệm an toàn chất lượng. Hiện UL tại Việt Nam đang hợp tác hỗ trợ với các doanh nghiệp Việt Nam chuyên xuất khẩu gỗ để đưa ra các chỉ tiêu an toàn, từ đó có thể xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Nguồn: Báo Tin Tức