Quan hệ Đức — Thổ Nhĩ Kỳ xem ra khó có cơ hội được cải thiện trong tương lai gần sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới tại Đức.
"Kẻ thù" của Ankara
Hôm 18-8, ông Erdogan thúc giục người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức "nói không" với 3 đảng trong cuộc bầu cử sắp tới, gồm Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và Đảng Xanh.
Nhà lãnh đạo này thậm chí còn gọi 3 đảng trên là "kẻ thù" của Thổ Nhĩ Kỳ trong động thái công kích mạnh mẽ chưa từng có nhằm vào một nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Thế nhưng, điều đó không gây nhiều ngạc nhiên bởi SPD và CDU đang chia sẻ lập trường không nhân nhượng với Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh cầm quyền hiện nay, còn Đảng Xanh đối lập thậm chí thúc đẩy chính sách cứng rắn hơn với Ankara.
Theo đài BBC, khoảng 1 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức đủ tư cách bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra ngày 24-9. Đa số họ từng bỏ phiếu ủng hộ trao thêm quyền lực cho ông Erdogan trong cuộc trưng cầu ý dân của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4 vừa qua. Ông Erdogan không nói rõ mình muốn cử tri gốc Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu cho đảng nào nhưng kêu gọi họ "dạy" cho các đảng không tôn trọng Ankara một bài học. Trong quá khứ, khối cử tri này có khuynh hướng bỏ phiếu cho SPD.
Dĩ nhiên là những phát biểu tranh cãi nêu trên không giúp ích gì cho cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa 2 đồng minh NATO có mối liên hệ lịch sử lâu đời này. Theo đài DW, bà Merkel đã chỉ trích hành động "can thiệp" vào nội bộ nước Đức của ông Erdogan. "Cử tri Đức, trong đó có người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, có quyền bỏ phiếu tự do" — bà Merkel khẳng định khi vận động tranh cử tại Herford, bang North Rhine-Westphalia hôm 18-8.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel, người của SPD, cũng gọi những phát biểu mới nhất của ông Erdogan là hành động can thiệp "chưa từng có tiền lệ" vào chủ quyền nước này.
Chỉ trích qua lại
Lời kêu gọi của ông Erdogan xuất hiện vài ngày sau khi bà Merkel chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì tống giam phóng viên và nhà hoạt động, cũng như cho rằng quan hệ song phương không thể tiếp tục mà không có sự thay đổi nào. Thủ tướng Đức cũng phát đi tín hiệu rằng EU sẽ không thương thảo với Ankara về việc cập nhật một thỏa thuận liên minh thuế quan hiện có do những căng thẳng chính trị lúc này.
Quan hệ hai nước xấu đi sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7-2016. Đức tỏ thái độ không hài lòng khi chứng kiến chính quyền ông Erdogan mạnh tay trấn áp người chống đối, trong khi Ankara cáo buộc Berlin không cho dẫn độ những tay súng người Kurd và người bị nghi liên quan đến vụ đảo chính về Thổ Nhĩ Kỳ.
Căng thẳng ngày một leo thang sau khi Ankara cho bắt giữ một phóng viên mang 2 quốc tịch Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2 vì những cáo buộc liên quan đến khủng bố. Quá trình vận động cho cuộc trưng cầu ý dân kể trên cũng đổ dầu vào lửa. Khi đó, Berlin từ chối cho một số đồng minh của ông Erdogan nhập cảnh để vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ — một động thái bị Tổng thống Erdogan mô tả là "hành vi kiểu phát xít".
Đến tháng 7, theo trang Bloomberg, tình hình càng tệ hơn khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt giữ 10 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có 1 công dân Đức. Theo ông Gabriel, hiện có 9 công dân Đức bị bắt ở Thổ Nhĩ Kỳ vì những cáo buộc không rõ ràng hoặc bị thổi phồng.
Tranh cãi nêu trên ít nhiều tác động đến cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq. Hồi tháng 7, Đức đã chuyển máy bay quân sự và 250 binh sĩ từ căn cứ không quân Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ đến Jordan. Số binh sĩ này đang tham gia chiến dịch chống IS do Mỹ đứng đầu.
Nguồn: nld.com.vn