Ông Kiều Quang Thăng (SN 1954), chồng của bà Nguyễn Thị Hải Thơm (SN 1965) đã mất từ tháng 5/2015.
Tháng 10/2014, ông Thăng khi còn sống đã có đơn khiếu nại về QĐ của UBND TP.Hà Nội về việc thu hồi đất công sở thành nhà ở để cho thuê, trong đó có phần diện tích đang tranh chấp 7.4m2 của gia đình ông.
Đơn của ông Thăng chưa được giải quyết thì ngày 22/5/2015, ông Thăng mất vì lý do sức khỏe.
Hơn 1 năm sau, ngày 5/9/2016, vợ ông Thăng, bà Nguyễn Thị Hải Thơm nhận được giấy mời của Thanh tra Hà Nội mời chồng mình lên trụ sở Thanh tra TP Hà Nội làm việc.
Điều trớ trêu, lên làm việc với Thanh tra TP thì bà Thơm bị khước từ với lý do không đúng thành phần người được mời, dù bà Thơm đã xuất trình đầy đủ giấy tờ (gồm giấy chứng tử, hộ khẩu, giấy kết hôn).
Trao đổi với VietNamNet, bà Thơm nước mắt ngắn dài: Ngay phần đầu buổi làm việc với cán bộ Thanh tra TP, tôi đã xuất trình những giấy tờ nói trên, nhưng hai cán bộ (bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Trưởng phòng Thanh tra 1 và Thanh tra viên Phạm Minh Đức — tên hai cán bộ do bà Thơm cung cấp) vẫn yêu cầu phải có giấy ủy quyền.
"Tôi nói, chồng tôi đã chết hơn 1 năm thì làm sao viết được giấy ủy quyền. Họ nói, sẽ báo cáo, xin ý kiến cấp trên như từ đó đến nay, tôi vẫn không nhận được thông tin phản hồi từ phía Thanh tra Hà Nội" — bà Thơm cho biết.
"Trước khi nhắm mắt xuôi tay, điều mà chồng tôi cứ canh cánh không giải quyết được sự việc nhỏ tí để vợ con ổn định cuộc sống, dù phần diện tích tranh chấp có hơn 7m2, chỉ bằng một cái công trình phụ của nhà người ta. Giờ anh ấy mất rồi, mẹ góa con côi, ba mẹ con tôi lại tiếp tục phần việc mà anh ấy dang dở" — bà Thơm ngân ngấn.
15 năm, không xử lý xong vụ tranh chấp 7.4m2 nhà
Theo hồ sơ vụ việc, nhà số 75 Lê Hồng Phong (quận Hà Đông, Hà Nội) nguyên là nhà công vụ của Ban Xây dựng cơ bản (tỉnh Hà Tây cũ).
Năm 2001, Sở Xây dựng (tỉnh Hà Tây) đã có quyết định số 185 ngày 28/12/2001 về việc tạm giao toàn bộ tầng 2 và phần cầu thang tầng 1 thuộc căn nhà làm việc cho ông Kiều Quang Thăng (cán bộ Sở Xây dựng) để làm nhà ở.
Sau đó, ông Thăng có đơn xin cải tạo nhà và được GĐ Sở Xây dựng (Hà Tây) chấp thuận, cho phép ông Thăng được cải tạo làm cầu thang lên mái; xây tường bổ trụ và lợp tấm pro-ximang chống nóng mái; làm khu vệ sinh trên mái tầng 3 và bể nước.
Cùng thời gian này, ông Lưu Xuân Minh, đồng nghiệp của ông Thăng cũng được Ban quản lý khu tập thể tỉnh Hà Tây cũ cho mượn một gian tầng 1 cùng khu nhà 75 nói trên. Tuy nhiên, ông Minh đã tự ý chuyển đồ lên tầng 2 thuộc phần diện tích được giao cho gia đình ông Thăng.
Khi ông Kiều Quang Thăng yêu cầu ông Minh chuyển đồ ra khỏi tầng 2 nhà mình, ông Minh đã có đơn khiếu kiện gửi UBND tỉnh Hà Tây cũ. Ngày 19/3/2002, Sở Xây dựng Hà Tây ban hành văn bản số 84 chỉ rõ những sai phạm của ông Lưu Xuân Minh.
"Việc ông Lưu Xuân Minh tự động dọn lên tầng 2 ở là sai quy định của pháp luật và quản lý nhà của tỉnh. Sở Xây dựng yêu cầu ông phải dọn về nơi ở cũ để trả lại Sở Xây dựng quản lý bố trí cho ông Thăng theo quy định" — văn bản số 84 nêu.
Sự việc tưởng như đã được giải quyết sau khi có văn bản trả lời của Sở Xây dựng Hà Tây. Tuy nhiên, ông Lưu Xuân Minh lại hỏi mượn ông Kiều Quang Thăng căn phòng 7,4m2 trên tầng 2 làm nơi để đồ đạc. Do nể tình là người cùng ngành và khi dọn về ở sẽ là hàng xóm làng giềng, ông Thăng chấp thuận đề nghị của ông Minh.
Năm 2007 đến năm 2011, ông Thăng đã rất nhiều lần yêu cầu ông Minh trả lại phần diện tích 7,4m2 trên tầng 2 thuộc quyền sử dụng của ông Thăng nhưng đều bất thành.
Cực chẳng đã, quá bức xúc trước thái độ thách thức, chây ì của người hàng xóm, gia đình ông Kiều Quang Thăng và bà Nguyễn Thị Hải Thơm gửi đơn lên UBND phường Nguyễn Trãi đề nghị giải quyết vụ việc. Tiếp đến, khoảng năm 2011, ông Lưu Xuân Minh tự nguyện trả lại phần diện tích đã mượn trên tầng 2.
Thế nhưng, dù đã trả lại, ông Minh lại tiếp tục gửi đơn khiếu kiện tới nhiều cơ quan chức năng về phần diện tích 7.4m2 mà ông Minh mượn.
Ngày 25/8/2014, PCT UBND TP.Hà Nội khi đó là ông Vũ Hồng Khanh đã ký ban hành QĐ số 4416/QĐ-UBND ngày 25/8/2014 về việc thu hồi, chuyển đổi công năng sử dụng nhà, đất từ nhà công sở thành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để ký hợp đồng thuê nhà ở tại số 75 phố Lê Hồng Phong (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) theo hướng có lợi cho ông Lưu Xuân Minh.
Trước QĐ này, ông Thăng đã có đơn khiếu nại tới chính quyền các cấp về quyết định số 4416. Khi đơn của ông Thăng chưa được giải quyết, ông Thăng mất do sức khỏe và xảy ra câu chuyện Thanh tra Hà Nội mời người đã chết lên làm việc.
Thanh tra Hà Nội nói gì?
Trao đổi với VietNamNet sáng 15/8, Chánh văn phòng Thanh tra TP.Hà Nội Bạch Trung Dũng cho biết, đó là quy trình mang tính chất thủ tục hành chính.
"Vì lý do các đương sự được mời lên làm việc để giải quyết đơn thư cần phải đích danh. Quan hệ dân sự hàng ngày hàng trăm việc, thông thường cứ theo hồ sơ làm. Trường hợp này cần thông qua chính quyền sở tại xác nhận của địa phương về việc người đứng đơn đã mất. Nhiều trường hợp Thanh tra Hà Nội còn phải tiếp những trường hợp giả danh. Đơn là như thế nhưng người đến trao đổi lại là khác, hỏi CMND thì lại nói cán bộ làm khó dễ. Với trường hợp này cần qua chính quyền phường xác nhận về nhân thân, không cứng nhắc phải có giấy ủy quyền, vì người chồng đã mất rồi. Người đã mất làm sao làm giấy ủy quyền được. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền cấp phường. Khi có giấy xác nhận của phường, Thanh tra Hà Nội sẽ tiếp công dân theo đúng trình tự thông thường" — ông Dũng nói.
Theo bà Thơm, kể từ ngày 5/9/2016, khi lên Thanh tra Hà Nội để làm việc thay chồng theo giấy mời và được cán bộ yêu cầu có "giấy ủy quyền" — đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào khác từ phía Thanh tra Hà Nội.
Nguồn: VietnamNet