Sự việc chưa nguôi, mới đây, dư luận thành phố Đà Nẵng và du khách lại xôn xao việc vụ việc một tài xế taxi hãng Hải Vân thẳng tay "chặt chém" nữ du khách Hàn Quốc 700.000 ngàn đồng, cho cuốc taxi với quãng đường từ sân bay về khách sạn chỉ có hơn 5km. Tài xế này đã tính tiền theo cấp số nhân 14 lần so với giá trị thực của cuốc xe là chỉ 50.000 đồng.
Cũng trong thời gian ngắn, hiện tượng nhiều dự án, công trình "khủng" ngay tại trung tâm xây dựng không phép, không có đánh giá tác động môi trường, xả thải ra biển… khiến cả nước xôn xao. Đặc biệt là câu chuyện về bán đảo Sơn Trà, khởi đầu từ 40 nền móng biệt thự không phép, đã trở thành nỗi bức xúc đến nay vẫn còn nan giải. Ngày 30/8 này là hạn cuối thành phố phải báo cáo về Sơn Trà với Thủ tướng Chính phủ. Tranh luận gay gắt về dự án hầm chui sông Hàn chưa dứt, lại phát lộ chuyện "Thành ủy sử dụng xe xịn do doanh nghiệp tặng"… Trong lúc này vẫn liên tục xảy ra những vụ xe ben, xe tải tông chết người mà dường như chưa có biện pháp khả thi nào ngăn chặn…
Phải có tầm nhìn xa…
Ông Hồ Duy Diệm, nguyên Phó chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng, cho rằng: "Thành phố đáng sống" là ước mơ của nhân dân và lãnh đạo Đà Nẵng. Danh hiệu đó, thành phố được du khách tôn vinh vì thời điểm đó thành phố phát triển và làm được những việc mà thành phố khác không làm được hoặc chưa làm được.
"Đó là thời kì ổn định nhất của Đà Nẵng dưới thời kỳ lãnh đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân do anh Nguyễn Bá Thanh đứng đầu", ông Diệm nói.
Theo ông Diệm, thời kỳ được vinh danh đáng sống, Đà Nẵng phát triển và nổi tiếng bởi những thành tựu đột phá về kinh tế, cơ sở hạ tầng, giao thông, thành phố khang trang sạch đẹp. Từ sự làm ăn phát triển đó, đã làm cho con người thêm sinh khí, quyết tâm, không trì trệ, thành phố thực sự là thành phố đáng sống. "Thời kỳ đó, mọi việc đều êm đẹp, không có chuyện này chuyện kia xảy ra. Xì ke, ma túy, trộm cắp giảm, tai nạn giao thông ít. Đến Đà Nẵng du khách không thấy những cảnh hàng ngày ở thành phố khác và họ vinh danh Đà Nẵng là thành phố đáng sống là điều dễ hiểu". Tuy nhiên, những năm gần đây danh hiệu đáng sống dần mất đi vì những hệ lụy của sự phát triển. Ví như phát triển du lịch tốt nhưng không đồng bộ, quá mức phục vụ của hạ tầng. Môi trường sống ở Đà Nẵng xung đột giữa đời sống người dân thành phố và du khách, lai nhập văn hóa từ nơi khác đến… Đơn cử ngay như bãi biển Đà Nẵng vốn sạch đẹp, nổi tiếng nhưng nay dọc biển mọc lên hàng loạt nhà hàng, khách sạn cao tầng, khu nghỉ dưỡng, kéo lượng khách tăng đột biến làm môi trường bị ô nhiễm, mất vệ sinh. Những cống xả thải đen ngòm, hôi thối là hình ảnh không đẹp đẽ đập vào mắt du khách. Trong sự xô bồ có sự chặt chém. Chính những yếu tố đó làm hai chữ "đáng sống" mất dần.
Ông Diệm nhớ lại:
"Ngay từ giai đoạn thành phố phát triển dưới thời cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh, ông đã gửi gắm lãnh đạo thành phố rằng, phải biết dừng lại, dù 1 giờ, 1 ngày để xem lại mình đã làm những gì đúng, những gì chưa đúng. Dừng lại nhìn nhận rồi từ đó tìm ra bước đi mới, không trùng lặp, trì trệ và có bước đi tốt hơn. Đừng tự mãn, phải dừng lại để hỏi tại sao người ta khen thành phố là đáng sống?".
"Trong xu thế mới, nhân dân mong chờ lãnh đạo thành phố tự thấy trách nhiệm, vai trò của mình, phải làm nhiều hơn, phải cố gắng nhiều hơn vì sự phát triển của thành phố. Đừng nghĩ mình làm hết nhiệm kỳ rồi đi mà phải nhìn xa trông rộng rằng: 5 năm, 10 năm hay 20, 30 năm nữa Đà Nẵng sẽ như thế nào. Bởi có những việc giải quyết ngay nhưng có những việc, phải 5 năm 10 năm mới làm được. Nhưng nếu không làm ngay bây giờ thì không có Đà Nẵng 20, 30 năm sau".
Ông Hồ Duy Diệm, nguyên Phó chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng.
Nguồn: Tiền Phong