Xây dựng bức tranh chi tiêu ngân sách cho giáo dục
Hội đồng khoa học do chính ông Nhạ là chủ tịch đã có phiên họp để lựa chọn nhóm nghiên cứu thực hiện đề tại được tiến hành hồi đầu tháng 8 vừa qua.
Theo ông Nhạ, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi NSNN cho giáo dục Việt Nam là chủ đề nhiều người đặt ra song chưa được nghiên cứu một cách căn cơ, bài bản.
Do đó, yêu cầu của nhiệm vụ lần này là xây dựng được bức tranh đầy đủ về chi tiêu NSNN cho giáo dục nói chung, gồm cả trung ương và địa phương, từ đó chỉ rõ những điểm hợp lý, chưa hợp lý trong phân bổ ngân sách để tìm giải pháp.
"Đây là nghiên cứu ứng dụng chứ không phải là lý thuyết, mô hình" — ông Nhạ nhấn mạnh.
PGS. TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đề tài phải lưu ý căn cứ pháp lý của con số 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục để tránh đưa những kiến nghị của đề tài lại vượt qua luật.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Xuân Hoan, Ban Kế hoạch — Tài chính, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng để làm rõ chi NSNN cho giáo dục đã đủ 20% chưa và phân bổ thế nào thì phải thực hiện thống kê chứ không phải khảo sát phỏng vấn là được.
Tuy nhiên, đây là điều khó khả thi vì ngay cả hệ thống tổng cục thống kê còn phải "đầu hàng" và nếu có làm cũng sẽ rất tốn kém. Từ đó, ông Hoan đề xuất chỉ làm "điểm" ở một vài địa phương chứ không làm trên phạm vi cả nước.
PGS.TS. Đinh Văn Nhã, Ủy ban Tài chính — Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu muốn tính hiệu quả ngân sách đầu tư cho giáo dục thì quan trọng nhất là xem phân bổ ngân sách đã hợp lý chưa.
"Quốc hội phân bổ ngân sách cho giáo dục theo đầu dân còn các địa phương lại phân bổ ngân sách theo đầu học sinh. Điều này là bất cập, cần phải nghiên cứu".
Ông Nhã cũng cũng kiến nghị, việc đánh giá hiệu quả phân bổ ngân sách nhà nước lâu nay vẫn là cái bí, do đó để thực hiện đề tài, cần phải có hệ thống tiêu thức rõ ràng mới có thể đánh giá được.
Nguôn: VietnamNet