Thành phố 1,5 triệu dân này còn được gọi là thủ đô thứ ba của Nga. Kazan nằm trên bờ sông Volga, cách thủ đô Matxcova 800 km về phía đông.
Lịch sử của Kazan còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn chưa được giải đoán. Một trong số đó là về sự ra đời của thành phố. Theo truyền thuyết, khan Mông Cổ, người sáng lập Kazan, đã đến gặp thầy phù thủy và hỏi, nơi nào đủ tốt để đặt nền tảng cho thành phố mới? Phù thủy khuyên ông đổ nước vào 1 cái vạc nhỏ (kazan), thắp lửa dưới vạc rồi đặt vạc vào xe ngựa và thúc ngựa đi. Nơi nào vạc nước sôi thì xây dựng thành phố ở đó. Tên gọi của thành phố bắt nguồn như vậy.
Trong 500 năm đầu tiên của lịch sử thành phố, Kazan đã từng là trung tâm chính trị lớn của Golden Horde, và là thủ phủ của vùng Khan Kazan. Đến giữa thế kỷ 16, lịch sử của thành phố gắn liền với tên của Sa hoàng Nga Ivan Groznui. Kể từ đây, bắt đầu một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của thành phố, nay trở thành một phần của đế chế Nga.
Kazan ngày nay là biểu tượng của cộng tồn hòa bình và hài hòa giữa các dân tộc, tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau. Viên ngọc kiến trúc của thành phố, điện Kremlin Kazan là một trong những quần thể kiến trúc đẹp nhất nước Nga. Được thành lập cùng lúc với thành phố vào năm 1005, Điện Kremlin giữ trong mình ký ức về các hoàng tử Bulgar, các chiến binh Thành Cát Tư Hãn, các Khan của Golden Horde và Sa hoàng Nga. Từ xa, thấp thoáng hình bóng cầu kỳ của dãy thành lũy cổ Kazan trải dài theo bờ dốc thẳng đứng của sông Kazanka — một nhánh sông Volga. Trên địa phận Điện Kremlin Kazan nằm xen kẽ với nhau là những di tích văn hóa Nga và Tatar, nhà thờ Chính thống giáo và nhà thờ Hồi giáo.
Khi bạn ngắm nhìn những tòa tháp Điện Kremlin, chắc chắn mắt bạn sẽ phải dừng lại ở "tháp nghiêng" Soyembike. Quả thực, tháp bị chệch từ trục của mình đến 2m. Tòa tháp này được mang tên vị nữ hoàng cuối cùng của Kazan. Truyền thuyết kể lại rằng, Ivan Groznui khi nghe nói về vẻ đẹp của người nữ chúa cai trị Tatar, đã gửi người mối mang đến Kazan. Tuy nhiên, người đẹp Soyembike bác bỏ đề nghị của ông trở thành nữ hoàng của Matxcova. Khi đó, Ivan giận dữ dẫn một đạo quân lớn đến bức tường của thành phố và nói rằng, nếu Soyembike không đồng ý kết hôn với ông ta, thành phố Kazan sẽ bị xóa khỏi mặt đất. Để cứu mạng các thần dân của mình, Soyembike đồng ý kết hôn, nhưng yêu cầu món quà cưới đặc biệt là một tòa tháp. Tòa tháp cao nhất ở Kazan đã được xây dựng chỉ trong bảy ngày. Và khi yêu cầu được hoàn thành, lễ cưới bắt đầu. Trong lễ cưới, Soyembike leo lên đỉnh tháp để nhìn Kazan lần cuối cùng. Tuy nhiên, khi từ trên cao nhìn xuống thành phố quê hương của mình, cô nhận ra rằng cô không thể nào rời bỏ nơi đây vĩnh viễn. Cô bật khóc và lao mình xuống đất.
Vào năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm thành phố Kazan, điện Kremlin đã mở cửa nhà thờ Hồi giáo Kul-Sharif. Nơi đây trở thành nhà thờ Hồi giáo chính của Tatarstan và lớn nhất ở châu Âu. Kul-Sharif là tên của vị trưởng linh mục Khan Kazan, nhà thần học Hồi giáo, nhà khai hóa nhiều uy tín. Ông bị giết trong thời gian Ivan Groznui chiếm đánh Kazan, và nhà thờ Hồi giáo khi đó đã bị đốt cháy rụi. Ngôi đền tôn giáo chỉ được xây dựng tái tạo lại 500 năm sau khi bị phá huỷ. Và đây là một yếu tố kỳ lạ: việc định hướng nhà thờ đến thành phố thánh Mecca được xác định với độ chính xác cực kỳ tinh tế thông qua vệ tinh.
Tổ hợp các nhà thờ Hồi giáo không chỉ có mục đích tôn thờ mà còn mang ý nghĩa lớn trong văn hóa — giáo dục và khoa học. Ngoài các sảnh cầu nguyện, nơi đây còn khai trương viện bảo tàng Nga đầu tiên về văn hóa Hồi giáo. Triển lãm bao gồm hơn 2.000 vật phẩm — bản thảo, tràng hạt, áo lễ… Nhiều hiện vật trưng bày có niên đại từ thế kỷ thứ 10.
Kể về Kazan, người ta không thể không nhắc đến núi Zilant. Không còn nghi vấn gì về việc đây chính là một trong những nơi huyền thoại nhất nước Cộng hòa Tatarstan. Núi được mang tên đấng bảo hộ huyền thoại cho Kazan — một sinh vật giống rồng Zilant, vua của tất cả các loài rắn. Theo truyền thuyết, cư dân của Kazan dùng vàng cúng lễ cho Zilant, khi nhiều loài bò sát đến quấy phá cuộc sống của thành phố. Sau khi nhận tiền chuộc, con rắn khổng lồ đã ra lệnh tất cả thuộc hạ rắn rời khỏi Kazan. Cơ sở của truyền thuyết này là một sự kiện lịch sử: có một thời rắn đã từng bò đen quanh khu vực này, nhưng sau đó số lượng của chúng đột ngột giảm mạnh.
Kazan có Nhà thờ của tất cả các tôn giáo. Mái vòm của Nhà thờ Chính thống được bao quanh bởi các hình thái kiến trúc, vốn sẵn có trong đền thờ của các tôn giáo khác. Đây là nhà của họa sĩ Kazan Ildar Khanov. Cùng chung dưới một mái nhà, nơi đây tồn tại hòa bình phòng thờ phụng của 16 tôn giáo trên thế giới. Theo quan niệm của họa sĩ, tất cả các tôn giáo của thế giới đều cao quý như nhau và do đó không có nghĩa lý gì tách chúng ra, và gây nên các tranh cãi liên tôn giáo.
Cũng giống như người Nga chào đón khách với bánh mì và muối, người Tatar bày tỏ sự hiếu khách của mình bằng món ăn dân tộc Chak-Chak. Đây là một lọai bánh ngọt làm từ bột mì và mật ong, hình dạng giống như hạt dẻ. Năm 2005 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm của thành phố, người ta làm chiếc bánh Chak-Chak có trọng lượng một tấn và được ghi nhận vào sách kỷ lục Guinness.