Đài thiên văn chỉ để quan sát và tìm hiểu về vũ trụ
Theo ông Phạm Anh Tuấn — Tổng giám đốc Trung tâm vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) sắp tới Việt Nam sẽ phóng vệ tinh do chính người Việt Nam thiết kế, chế tạo lên vũ trụ.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 20/8, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương — Chủ tịch Hội hàng không vũ trụ Việt Nam cho biết: "Đầu tiên, việc đưa đài thiên văn Nha Trang vào hoạt động, thực ra chủ yếu có tính chất để cho nghiên cứu và tìm hiểu về vũ trụ, khuyến khích thế hệ trẻ quan tâm tới thiên văn, còn về mặt công nghệ vũ trụ rất ít liên quan.
Thực ra việc quan sát các vệ tinh có quỹ đạo quanh trái đất, ít liên quan đến việc quan sát các vì sao, hành tinh trên bầu trời".
Bên cạnh đó, theo ông Cương, riêng việc phóng vệ tinh ở Việt Nam có 2 loại: vệ tinh địa tĩnh (vệ tinh làm trạm trên không để chuyển tiếp liên lạc- tức là vệ tinh viễn thông) và vệ tinh viễn thám để quan sát mặt đất, dự báo thời tiết, quan sát môi trường, cả 2 loại này rất thiết thực.
Nhờ có vệ tinh viễn thông chúng ta có thể đưa các kênh truyền hình đến vùng sâu, vùng xa, biên cương hải đảo, đảm bảo liên lạc thông suốt trên cả nước, cả trên đất liền và trên biển.
Riêng vệ tinh hiện tại chúng ta mới chế tạo được vệ tinh Pico Dragon — trọng lượng 1kg, vệ tinh hợp tác với Nhật Bản để phóng lên, nhưng mới chỉ mang tính chất học tập. Vệ tinh này cũng bay được một thời gian, truyền được tín hiệu về mặt đất đó là thành công bước đầu.
Vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon chỉ mang được máy phát tín hiệu để truyền xuống đất. Cũng như vệ tinh Sputnik 1 của Nga năm 1956 cũng chưa mang gì, chỉ mang máy phát tín hiệu, chúng ta cũng đạt được trình độ năm 1956 của Nga (nếu không kể tên lửa đẩy).
Nhưng tín hiệu tít tít của Nga còn tồn tại được mấy vòng quanh Trái Đất còn chúng ta chỉ phát được một thời gian ngắn rồi không phát được nữa. Hiện Trung tâm vũ trụ Việt Nam, cũng đang có sự giúp đỡ của Nhật Bản, tự chế vệ tinh nano, có trọng lượng khoảng 10kg.
Theo hợp tác của Việt Nam với Nhật chúng ta sẽ làm vệ tinh MicroDragon nặng 50kg, có kích thước 50 x 50 x 50 cm. Bởi vì, vệ tinh càng to thì càng đầy đủ chức năng, thời gian sống trên quỹ đạo lâu hơn.
MicroDragon sẽ có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Thiết bị nào của vệ tinh cũng quan trọng
Ở góc độ khác, ông Cương cho biết:
"Việt Nam sẽ phóng vệ tinh nano khoảng 10kg, sau đó, tiến lên 50kg, thời gian sống lâu hơn, mang nhiều thiết bị lên, còn hiện tại chúng ta đang hợp tác với Nhật làm 2 vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2, hai vệ tinh theo công nghệ radar tiên tiến hiện nay. LOTUSat-1 có có khối lượng tới 600kg, gần 12 lần MicroDragon, kích thước là 1,5mx1,5mx3m, tồn tại trên vũ trụ 5 năm. Vệ tinh sử dụng công nghệ radar, có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết và có thể phát hiện các vật thể trên bề mặt trái đất có kích thước từ 01m trở lên. Bởi nếu quan sát bằng dải quang học, nhìn xuống lãnh thổ Việt Nam rất nhiều mây che, nên vệ tinh quang học tác dụng hơi hạn chế, còn radar có thể nhìn xuyên qua mây. LOTUSat-1 chúng ta được tham gia học tập, nhưng đến LOTUSat-2 chủ yếu sẽ làm ở Việt Nam, có chuyên gia của Nhật hướng dẫn. LOTUSat-2 phải đến 7-8 năm mới có thể hoàn thành, còn LOTUSat-1 thì chắc 1-2 năm nữa sẽ phóng lên quỹ đạo".
Nói về thiết bị quan trọng của vệ tinh, theo ông Cương, trong vệ tinh yếu tố nào cũng quan trọng, vì bất kỳ thiết bị nào hỏng cũng đều khiến vệ tinh không làm việc được.
Ví dụ như hệ thống pin mặt trời cung cấp nguồn năng lượng, hệ thống kết cấu cơ khí, cái khung, chẳng may gãy hỏng cũng nguy hiểm, còn có hệ thống duy trì nhiệt độ, kiểm soát nhiệt bên trong vệ tinh, để cho các thiết bị điện tử làm việc được, ở trên vũ trụ không gian quanh trái đất nhiệt độ khác với mặt đất.
Quả vệ tinh lúc thì bay vào vùng có ánh sáng mặt trời, lúc thì bay vào vùng khuất sau Trái Đất, một chu kỳ quay khoảng 90 phút, lúc thì rất nóng, lúc lại rất lạnh, còn trên bản thân vệ tinh thì hướng phía mặt trời chiếu vào rất nóng, còn phía khuất thì lại rất lạnh.
Cho nên bên trong các thiết bị điện tử nếu không có hệ thống duy trì nhiệt độ sẽ không làm việc được, bị hỏng ngay, nên hệ thống duy trì nhiệt độ cũng rất quan trọng.
Ngoài ra muốn quan sát phải có hệ thống điều khiển ổn định tư thế vệ tinh, không cứ hình dung ống kính chĩa xuống đất, nhưng lại quay lên trời, nên thành ra vấn đề phải ổn định vệ tinh, điều khiển tư thế rất quan trọng.
Bay lâu lâu thì quỹ đạo vệ tinh sẽ bị thấp dần xuống, bắt đầu ở độ cao 600km, vài tháng thì xuống độ cao nhỏ hơn, giảm dần, các yếu tố quỹ đạo thay đổi thì việc quan sát cũng phải hiệu chỉnh lại, vì vậy cứ vài tháng phải hiệu chỉnh quỹ đạo một lần, hiệu chỉnh quỹ đạo trên vũ trụ bắt buộc dùng động cơ phản lực.
Tất nhiên, những vệ tinh to, có hệ thống đầy đủ, hiện đại thì thời gian làm việc duy trì được lâu, vệ tinh nhỏ cỡ vài chục kg thì thời gian làm việc ít hơn, hết nhiên liệu thì không điều khiển được tư thế nữa, và cũng không hiệu chỉnh quỹ đạo được, quỹ đạo thấp dần, khi độ cao còn khoảng dưới 100km thì do tốc độ bay lớn gần 8 km/giây, vệ tinh cọ sát với không khí nó sẽ bùng cháy.
Tuy nhiên thời gian vệ tinh tồn tại trên quỹ đạo rất lâu (hơn hai chục năm nếu cứ để tự nhiên).
Khi đó nó sẽ trở thành rác vũ trụ và bây giờ rác vũ trụ đang là vấn nạn được thế giới quan tâm, vì các nước đua nhau đưa vệ tinh lên vũ trụ, hàng nghìn vệ tinh hết nhiên liệu tồn tại trên đó, nên nếu vệ tinh Việt Nam bay không cẩn thận, va vào rác đó thì cũng hỏng, vì nó vẫn bay với tốc độ rất lớn.
Còn nhiều thiết bị Việt Nam vẫn chưa làm được
Trong thực tế, theo Chủ tịch Hội hàng không vũ trụ Việt Nam, không nước nào làm tất cả các thiết bị vệ tinh từ A-Z.
Nói ngay như xe máy, lốp xe có thể đặt tại nhà máy cao su Sao Vàng sản xuất không nhất thiết phải tự làm, vệ tinh cũng vậy, thiết bị nào có bán trên thị trường thế giới thì mua, nhưng vấn đề chúng ta sở hữu nó và sử dụng cho mục đích của mình như thế nào đó mới là điểm quan trọng.
Như các thiết bị liên lạc vô tuyến cũng hơi đặc biệt, trong môi trường vũ trụ yêu cầu nó có độ nhạy cao, công suất lớn mà lại nhẹ không phải nước nào cũng làm được. Hay như thiết bị cảm biến muốn điều khiển tư thế quả vệ tinh cần nhiều loại cảm biến các hệ cảm biến cũng có bán, chúng ta có thể mua, nhưng quan trọng là phải biết tích hợp lại để sử dụng các tín hiệu đầu ra, đưa vào hệ thống điều khiển.
"Trung tâm vũ trụ của chúng ta cũng đang đặt ra một lộ trình trong 10 năm, chế tạo được vệ tinh LOTUSat-1 và từng bước tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh.
Gọi là làm chủ, nhưng quan trọng là biết thiết kế, lựa chọn được các thiết bị lẻ phù hợp, tích hợp lại với nhau, thành một vệ tinh, rồi tiến hành thử nghiệm trong điều kiện mặt đất, có buồng chân không, tạo nhiệt độ, bức xạ mặt trời, phát hiện chỗ nào hỏng, chỗ nào chưa đạt yêu cầu.
Còn chuyện phóng lên thì tôi thấy chúng ta chưa làm được tên lửa nào phóng vệ tinh lên quỹ đạo, cái này thuộc công nghệ khác, liên quan đến quân sự, cũng phải cân nhắc nhiều mặt cả về kinh tế, quân sự và chính trị.
Hiện nay chúng ta hợp tác với các nước để làm vệ tinh.Còn làm tên lửa đẩy phóng vệ tinh thì trên thế giới có nhiều nước làm được như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc,… vừa rồi có New Zealand cũng phóng được vệ tinh vào vũ trụ, không thuê được nước này, ta thuê nước khác, có sự cạnh tranh để lựa chọn.
Còn chế tạo ra vệ tinh viễn thám hay vệ tinh viễn thông nói chung vẫn còn khó với chúng ta, vì khi đưa lên quỹ đạo quanh Trái Đất, vệ tinh viễn thám chỉ phải đưa lên độ cao khoảng 600km, còn vệ tinh viễn thông địa tĩnh phải lên độ cao 36.000km, nên riêng việc đưa lên cũng là vấn đề phức tạp.
Nói chung nên tập trung làm chủ công nghệ vệ tinh viễn thám vì có phần đỡ phức tạp hơn, còn vệ tinh viễn thông địa tĩnh chắc chắn trong một vài chục năm nữa vẫn phải mua.
Nguồn: Báo Đất Việt