Theo cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước ghi nhận 43.162 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.063 trường hợp nhập viện, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện giảm 1,9%.
Tuy nhiên, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trong các tuần gần đây có chiều hướng tăng và xu hướng sẽ tăng cao trong thời gian tới do đang là mùa dịch và học sinh vào năm học mới.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế vừa ban hành văn bản khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường phòng chống dịch bệnh. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần huy động các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh tay chân miệng tại địa phương.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch lan rộng, kéo dài.
Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, quan tâm các bệnh nhân nặng nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị; chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc… cho công tác phòng chống dịch.
Sở giáo dục-đào tạo cần chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại trường học, đặc biệt là các trường mẫu giáo, nhà trẻ…
Còn về dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong cuộc họp ngày ngày 24/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Hà Nội đang đứng đầu cả nước về số ca mắc SXH bên cạnh đó tốc độ gia tăng và diễn biến phức tạp đang rất đáng lo ngại. Dù số ca mắc có xu hướng chững lại nhưng chưa có dấu hiệu nào khẳng định là đã kiểm soát được dịch. "Việc phòng chống dịch bệnh SXH mới chỉ nóng ở cấp thành phố chứ quận huyện thì chưa, phường thì bình chân như vại" — Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định.
Cũng trong ngày 25/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trả lời về băn khoăn, phản ánh của người dân, báo chí về việc phun hóa chất diệt muỗi mà muỗi không chết, như vậy thuốc có đảm bảo chất lượng không?
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phân tích, ca mắc SXH đầu tiên được phát hiện từ tháng 1; như vậy, dịch bệnh đến sớm hơn mọi năm nhưng công tác nắm tình hình, dự báo, phối hợp với các đơn vị khác của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và ngành y tế triển khai muộn.
Chủ tịch UBND TP cũng chỉ ra việc chưa phối hợp với các tổ chức y tế trong khu vực, thế giới để nắm, dự báo tình hình dịch bệnh bởi có nước cũng có tình trạng bùng phát SXH với rất nhiều ca tử vong. Cùng với đó, các bệnh viện chưa làm tốt công tác phân loại khi bệnh nhân SXH nhập viện dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều nơi…
Theo Chủ tịch TP Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng cũng chậm trễ trong việc thông báo, tuyên truyền hướng dẫn, nên sự vào cuộc diệt bọ gậy của cấp cơ sở còn chậm, còn chủ quan nên số ổ dịch, số ca mắc mới tăng cao.
Với tình hình thời tiết mưa nhiều như hiện nay và hơn 1,8 triệu em học sinh, sinh viên sắp nhập học tại Hà Nội thì diễn biến của hai dịch bệnh SXH và tay chân miệng sẽ trở nên rất phức tạp và khó lường nếu ngành Y tế cùng các tổ chức chính trị — xã hội không vào cuộc quyết liệt.
Nguồn: congluan