Phẫn nộ. Xót xa… Đó là cảm giác chung của những người đươc hỏi về những "ngoằn nghèo" trong vụ án VN Pharma vừa đưa ra xét xử. Rất nhiều lời lên án gay gắt, đa số cho biết mức án dành cho các bị cáo là quá nhẹ vì cái tội đưa thuốc giả vào bệnh viện bán cho những bệnh nhân nghèo đã kiệt quệ vì bệnh tật là quá tàn nhẫn và độc ác.
Dân gian thường có câu "buôn gian, bán lận" nhưng với lĩnh vực thuốc chữa bệnh, mà lại là thuốc chữa ung thư thì sự gian dối ấy đã biến thành tội ác bị cả xã hội lên án.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao chúng ta có cả một Cục quản lý dược, cả một Hội đồng chuyên ngành với nhiều bác sỹ, giáo sư, tiến sỹ mà thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc có giá "cắt cổ" vẫn "luồn sâu" được vào các bệnh viện? Chẳng có gì khác ngoài cái "đường vòng tội lỗi", "cái bắt tay mờ ám" giữa bệnh viện và công ty dược, sự thờ ơ, vô trách nhiệm của không ít cán bộ quản lý thuộc Bộ Y tế.
Hãy nhìn từ sự thực phơi bày tại phiên tòa xét xử vụ VN Pharma. Theo hồ sơ vụ án, Ngô Anh Quốc — Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma (viết tắt là VN Pharma) đã chỉ đạo nhân viên chi "hoa hồng" cho các bác sĩ tại bệnh viện, để bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc do Công ty VN Pharma nhập khẩu.
Quá trình điều tra, Ngô Anh Quốc đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền "hoa hồng" với số tiền lên đến 7,5 tỉ đồng. Các bị cáo đều khai mục đích việc nâng khống giá thuốc trên hợp đồng nhập khẩu thuốc để lấy tiền chi phí cho việc bán thuốc vào các bệnh viện.
HĐXX đã kiến nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao làm rõ hành vi chi "hoa hồng" cho các bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng và các cán bộ Cục quản lý Dược, Bộ Y tế nếu có hành vi sai phạm thì xử lý theo quy định.
Dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, làm giả thuốc điều trị cho người bệnh là một tội ác. Và hưởng hoa hồng để kê đơn thuốc đó, kể cả cho nhập thuốc đó là đã tiếp tay cho tội ác này, cần phải được điều tra làm rõ.
Chi tiền "bôi trơn" để đưa thuốc tân dược vào bênh viện đã là chuyện "ì xèo" trong dư luận, người dân, giới bác sỹ, dược sỹ từ hàng chục năm nay nhưng nó vẫn tồn tại như thách đố xã hội!
Người dân vẫn cắn răng chịu dù biết giá thuốc bệnh viện, giá thuốc bác sỹ kê đắt hơn bên ngoài, thậm chí ra ngoài mua không bao giờ có. Họ chấp nhận vì tin rằng đó là thuốc tốt, thuốc chữa được bệnh nên đương nhiên nó "có giá" riêng của nó.
Nhưng, vụ khi VN Pharma được thông tin rộng rãi, niềm tin ấy đã đổ vỡ. Còn bao nhiêu loại thuốc chữa bệnh giả nữa, còn bao nhiêu VN Pharma nữa đang tồn tại và chưa bị phát hiện? Đó mới thực sự là nỗi lo ngại của nhân dân, người bệnh? Và cũng chẳng phải tự nhiên đại biểu Quốc hội Nguyễn Phong Lan đặt vấn đề: "Các bác sĩ nhận "hoa hồng", đó là tội lỗi, cần phải xử lý. Nhưng còn liệu ngoài việc chi "hoa hồng" cho bác sĩ, còn chi cho ai khác nữa không, để có thể có được visa, có số đăng ký thuốc nhanh như vậy".
Đến đây, xin được nói thẳng với Bộ trưởng Bộ Y tế: Trách nhiệm chính trong câu chuyện "đường vòng" của giá thuốc, trong việc thuốc giả "chui" vào bệnh viện thuộc về Bộ Y tế và thuộc cá nhân người đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến!
Trong thông cáo gần đây, Bộ Y tế cho hay sau khi có phán quyết cuối cùng của tòa án về vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại công ty CP VN Pharma, Bộ sẽ xử lý nghiêm khắc, theo đúng pháp luật, không bao che đối với những đơn vị, cá nhân vi phạm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế (nếu có).
Công luận, người dân thấy rằng vẫn còn điều gì " thiêu thiếu" ở đây, đó chính thái độ dám nhận, dám chịu trách nhiệm của Bộ Y tế cũng như cá nhân bà Bộ trưởng.
Nguồn: Congluan.vn