Cửa hiệu thuốc tây đua nhau mọc lên nhan nhản như ma trận, quây kín mọi khu vực xung quanh các bệnh viện. Các chợ tân dược bán buôn giữa Thủ đô, trước đây ở Giảng Võ, nay có thêm Hapulico ở Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân) với hàng trăm quầy hoạt động tấp nập quanh năm, cung cấp nguồn hàng cho hầu khắp các tỉnh thành phía Bắc. Thuốc gì cũng có, dễ như mua rau, không cần kê toa, người mua — kẻ bán dễ dàng giao dịch chẳng khác gì nhiều thứ hàng hóa tiêu dùng khác.
Phác qua bức tranh có phần hỗn độn của thị trường phân phối dược phẩm Việt Nam, đủ thấy sức hút của miếng bánh béo bở này lớn tới nhường nào đối với các hãng dược phẩm quốc tế, các công ty nhập khẩu, phân phối thuốc. Lâu nay, dư luận râm ran thậm chí nhức nhối về vấn nạn "bác sĩ hoa hồng", về đội ngũ trình dược viên len lỏi khắp các bệnh viện, phòng khám, kèm theo khoản hoa hồng hậu hĩnh cho bác sĩ kê toa, song cũng chỉ là tin đồn thế thôi, bởi những chiếc phong bì lót tay "đưa dưới gầm bàn" lấy đâu bằng chứng?
Câu hỏi nhức nhối, ai đứng sau VN Pharma vẫn chưa có câu trả lời!
Thế nhưng, còn những câu hỏi cấp thiết hơn, liên quan trực tiếp đến tính mạng hàng triệu bệnh nhân trên cả nước từng ngày từng giờ. Đó là, liệu có còn xuất hiện những "VN Pharma" khác trong nay mai? Lấy gì đảm bảo cho niềm tin của hàng triệu người bệnh vào thị trường thuốc tân dược trị giá nhiều tỷ đồng hiện nay?
Chỉ có một nơi có thể trả lời câu hỏi này trước công luận. Đó là Cục Quản lý Dược của Bộ Y tế, nơi được Chính phủ giao trọng trách quản lý nhà nước về thuốc chữa bệnh cho dân, nơi "gác cửa" cho cả một thị trường dược khổng lồ trị giá ngót 5 tỷ USD mỗi năm.
Một quy trình cấp số đăng ký thuốc công khai và minh bạch để công luận, mọi người dân và doanh nghiệp đều có thể giám sát. Đó mới là câu trả lời rõ ràng nhất giúp người bệnh có thể đặt trọn niềm tin nơi người "gác cửa".
Nguồn: Tienphong