Dù vậy, so với các nước láng giềng, thành tích này chỉ bằng hơn 1/3 số khách đến với Thái Lan, khoảng 1/3 số khách tới Malaysia và nhỉnh hơn một nửa so với Singapore.
Những quốc gia lân cận tiềm năng du lịch đều không bằng, thậm chí kém Việt Nam. Từ đó đặt ra vấn đề làm sao để nâng số lượng khách và doanh thu, đồng thời phát triển du lịch bền vững.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam tại hội thảo "Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch", 80% khách du lịch không quay trở lại Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc xúc tiến quảng bá còn hạn chế về hiệu quả và nguồn lực, chưa mang đến nhiều thông tin về du lịch Việt Nam cho du khách quốc tế; sản phẩm du lịch ở nhiều nơi còn mang tính tự phát, thiếu điểm đến du lịch nổi trội, khác biệt để cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Đặc biệt, công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch còn nhiều bất cập khiến tình trạng lừa đảo, đeo bám, mất cắp hành lý, vệ sinh thực phẩm, trở thành vấn đề nhức nhối.
Vấn đề mở cửa quốc tế cũng là một rào cản trong việc đẩy mạnh du lịch. Việt Nam mới miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông từ 23 nước, trong khi Malaysia miễn cho tận 155 nước và vùng lãnh thổ, Singapore 158 nước và Indonesia là 169 nước. Những lý do trên khiến năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam chỉ đứng thứ 67/134 nước bất chấp tài nguyên và tiềm năng dồi dào.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cho biết ngành du lịch phải tập trung vào tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm để phát triển bền vững, bảo đảm khả năng cạnh tranh cao, tạo ra sức bật và tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa — Thể thao — Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch, cần phổ biến rộng rãi cho tất cả các tổ chức cá nhân trong ngành và toàn bộ người dân địa phương để thay đổi hành vi, hình thành thói quen, tạo dựng hình ảnh con người Việt Nam văn minh, thân thiện.
Tuy nhiên, yếu tố giúp nâng cao tính cạnh tranh và phát triển du lịch bền vững nằm ở chất lượng sản phẩm du lịch. Việt Nam cần phát huy hơn nữa thế mạnh "rừng vàng, biển bạc" vốn có, biến những tiềm năng quý giá này thành sản phẩm có tính chiến lược, đủ sức níu chân du khách. Vai trò của các doanh nghiệp và nhà đầu tư được đề cao trong vấn đề này với sự táo bạo và những ý tưởng sáng tạo, tạo ra cú hích tại điểm du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Nguồn: Zing