Sau thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước gần 1 triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và toàn thế giới rằng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đưa nước ta từ nước thuộc địa nửa phong kiến thành nước độc lập, tự do, dân chủ.
Cục diện lúc bấy giờ
Đầu tháng 8/1945, quân Đồng minh tấn công mạnh mẽ vào những vị trí của quân đội Nhật Bản ở châu Á —Thái Bình Dương. Để uy hiếp quân Nhật, ngày 6/8 và ngày 9/8/1945, Mỹ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản, hủy diệt hai thành phố này và giết hại hàng chục vạn dân thường.
Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Ngày 9/8/1945, quân đội Liên Xô mở màn chiến dịch tổng công kích đạo quân Quan Đông của Nhật Bản ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Trong tình thế đó, nội các Nhật Bản họp dưới sự chủ trì của Nhật hoàng đã quyết định đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Sự sụp đổ của phát xít Nhật ở chính quốc đã khiến cho bọn phát xít Nhật ở Đông Dương hoang mang rệu rã cực độ. Đây là cơ hội ngàn năm có một của dân tộc Việt Nam, cơ hội để nhân dân ta đứng lên tự giải phóng mình khỏi ách nô lệ.
Ngay trong ngày 13/8/1945, khi nhận được thông tin về việc Nhật đầu hàng Đồng minh, Trung ương Đảng và Mặt trận Việt Minh đã lập tức thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Đến 23 giờ cùng ngày, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ban bố "Quân lệnh số 1", chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Ngày 14, 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng diễn ra tại Tân Trào đã thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa và quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội, đối ngoại sau khi giành được chính quyền.
Tiếp đó, trong 2 ngày 16 và 17/8/1945, Đại hội Quốc dân được triệu tập ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngay khi Đại hội kết thúc, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy một lực lượng quân giải phóng tiến về giải phóng Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa.
Cuộc Tổng khởi nghĩa bắt đầu
Thực hiện chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, không khí cách mạng càng sôi sục trong cả nước. Từ ngày 14 đến 18/8/1945, nằm trong khuôn khổ của khởi nghĩa từng phần, nhiều địa phương ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã giành được chính quyền như: Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam.
Ở Hà Nội, chiều ngày 17/8, quần chúng nội, ngoại thành tổ chức mít tinh tại Nhà hát lớn, sau đó xếp thành đội ngũ đi từ Nhà hát lớn qua các phố trung tâm và hô vang các khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh", "Đả đảo bù nhìn", "Việt Nam độc lập".
Tinh mơ sáng ngày 19/8, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Khoảng 10 giờ rưỡi, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng được sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ, của tổ chức Việt Minh Hoàng Diệu Hà Nội đã diễn ra. Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa! Sau đó, một cánh tiến thẳng tới Phủ Khâm Sai, cơ quan đầu não của chính phủ và nhanh chóng làm chủ toàn bộ khu vực này. Lính bảo vệ Phủ đã hạ vũ khí mà không có bất kỳ hành động kháng cự nào trước sức mạnh của nhân dân Hà thành.
Cánh thứ hai do Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu dẫn đầu bởi ông Nguyễn Quyết, có nhiệm vụ chiếm Trại Bảo an binh và Ty Liêm phóng Bắc kỳ. Đồng thời, Mặt trận Việt Minh cử đoàn cán bộ trực tiếp gặp gỡ, đàm phán với quân Nhật tại Tổng hành dinh của chúng. Cuộc đàm phán diễn ra gay go, phức tạp nhưng sự linh hoạt, khôn khéo của ta buộc quân Nhật phải chấp nhận yêu cầu, án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh, chấp nhận chính quyền cách mạng, đổi lại họ được bảo đảm an toàn… Thắng lợi của cuộc đàm phán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cuộc khởi nghĩa Hà Nội: Tránh cho lực lượng khởi nghĩa không phải đối đầu trực tiếp với quân Nhật và loại trừ được các lực lượng chính trị khác có ý đồ đảo ngược tình thế. Tối 19/8/1945, các cơ quan quan trọng của Triều đình Bảo Đại tại Hà Nội đã về tay cách mạng, Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố.
Ở Huế, ngày 20/8, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh được thành lập. Ủy ban quyết định giành chính quyền vào ngày 23/8. Hàng vạn nhân dân nội, ngoại thành đã kéo về trung tâm biểu tình thị uy, kéo về các công sở giành chính quyền. Tại Sài Gòn, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định khởi nghĩa ở Sài Gòn và các tỉnh vào ngày 25/8.
Sáng ngày 25/8, quần chúng nhân dân Sài Gòn đã tiến hành khởi nghĩa, chiếm trụ sở cơ quan chính quyền địch. Chỉ trong ngày 25/8/1945, Sài Gòn đã giành được chính quyền. Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã tác động mạnh đến các địa phương trong cả nước. Cách mạng Tháng Tám thành công trong cả nước.
Ngày 30/8, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị và trao ấn tín cho cách mạng, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến Việt Nam. Trong khi Cách mạng Tháng Tám vẫn còn đang diễn ra, ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam từ Tân Trào về Hà Nội.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập.
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm và ách thống trị của phát xít Nhật gần 5 năm, lật nhào ngai vàng phong kiến tồn tại hơn 1000 năm trên đất nước ta, và mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc. Đất nước ta bước vào kỉ nguyên độc lập, tự do, nhân dân lao động làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh dân tộc.
72 năm qua, Đảng luôn đặt nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân lên hàng đầu. Điều đó được khẳng định qua những thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới, đã làm cho thế và lực nước ta ngày càng lớn mạnh, cơ sở vật chất của nền kinh tế được tăng cường, môi trường hòa bình hợp tác đa phương hóa được mở rộng ổn định.
Nguồn: infonet