Tướng Lê Mã Lương nói về chế độ VNCH: “Nhìn thẳng vào lịch sử để hòa giải với quá khứ“

© Ảnh : VOVThăm, chúc mừng Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương
Thăm, chúc mừng Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, điều mà chúng ta muốn, và cũng là nguyện vọng của Đảng, Nhà nước là có sự hòa hợp hòa giải, đại đoàn kết dân tộc.

chiến tranh Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Vì sao Việt Nam nên thừa nhận thể chế Việt Nam Cộng Hòa?
Bộ sách Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập vừa được phát hành mới đây được đánh giá là bộ thông sử Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay, có giá trị lớn về học thuật, thực tiễn, xã hội, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Không chỉ là bộ sử đồ sộ mà đây còn là công trình thay đổi những quan niệm cũ trong nghiên cứu từ trước tới nay, trong đó từ bỏ cách gọi chính quyền Việt Nam cộng hòa là ngụy quân, ngụy quyền và chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc…

© Ảnh : ZingTập 12 của bộ Lịch sử Việt Nam, bên trái là sách tái bản, bên phải là sách xuất bản lần đầu năm 2013
Tập 12 của bộ Lịch sử Việt Nam, bên trái là sách tái bản, bên phải là sách xuất bản lần đầu năm 2013 - Sputnik Việt Nam
Tập 12 của bộ Lịch sử Việt Nam, bên trái là sách tái bản, bên phải là sách xuất bản lần đầu năm 2013

Nhìn thẳng vào sự thật lịch sử

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Trần Đức Cường — Tổng chủ biên Bộ sách Lịch sử Việt Nam cho biết, thời gian trước, nhắc đến chính quyền Việt Nam cộng hoà, nhiều người vẫn quen gọi là nguỵ quân, nguỵ quyền. Nhưng trong bộ sách này gọi là "quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn".

Tổng chủ biên bộ sách cho biết, chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Nó tồn tại trong gần 21 năm. Năm 1954 còn có một thể chế nữa gọi là Quốc gia Việt Nam. Sau đó đến năm 1955 thì Ngô Đình Diệm mới phế Bảo Đại để làm quốc trưởng, sau đó trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống. Theo ông, lịch sử cần phải khách quan, viết thế nào để cho mọi người chấp nhận.

© Ảnh : TL / KienthucTổng thống Ngô Đình Diệm hội đàm với sĩ quan CIA
Tổng thống Ngô Đình Diệm hội đàm với sĩ quan CIA - Sputnik Việt Nam
Tổng thống Ngô Đình Diệm hội đàm với sĩ quan CIA

Đồng tình với quan điểm này, Thiếu tướng Lê Mã Lương — nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, cách gọi mới phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam cũng như thế giới.

Trước đây, đã có nhiều tranh luận xung quanh việc nên hay không nên dùng từ "ngụy quân, ngụy quyền". Tuy nhiên, giới nghiên cứu và ngay bản thân ông khi viết sách đã dùng cụm từ quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn thay cho cụm từ "ngụy quyền" vì nó mang hơi hướng miệt thị. Đặc biệt, trong bối cảnh hòa hợp hòa giải dân tộc thì những cách gọi cũ cần phải thay đổi.

"Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, điều mà chúng ta muốn, và cũng là nguyện vọng của Đảng, Nhà nước là có sự hòa hợp hòa giải, đại đoàn kết dân tộc. Và ngay cả bản thân những người trong cuộc di tản ở nhiều nước trên thế giới năm 1975 cũng không mong có sự thù hằn dân tộc. Hầu hết họ thừa nhận rằng, Việt Nam không thể chia cắt mà phải thống nhất. Những người cộng sản, những người yêu nước mạnh mẽ đã đứng lên thống nhất đất nước. Tôi cho rằng, nhìn thẳng vào sự thật lịch sử là cách tốt nhất để hòa giải với quá khứ" — Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ.

biên giới giữa nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam và miền Nam Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Lịch sử Việt Nam: vấn đề ngụy quân-ngụy quyền và định danh Việt Nam Cộng hòa
Đánh giá cao những thông tin mà các nhà khoa học đã thể hiện trong bộ thông sử lớn nhất từ trước đến nay, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, việc này còn thể hiện tinh thần dũng cảm, có trách nhiệm với dân tộc, với Tổ quốc.

Theo ông, lịch sử Việt Nam hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, kháng chiến chống giặc ngoại xâm từ thời khởi thủy cho tới thời đại Hồ Chí Minh, nhiều vấn đề của lịch sử cho đến nay vẫn chưa khai mở. Có những vấn đề nhiều dư luận cho là nhạy cảm, tế nhị chưa được làm rõ, nhưng cũng có những vấn đề còn "khoảng trống" lớn, rất khó lấp đầy bởi rất ít tư liệu. 

Không để cuộc chiến tranh biên giới 1979 bị chìm lấp

Là người từng chiến đấu trong cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979, hơn ai hết, ông hiểu rõ bản chất sự thật lịch sử khách quan. Vì vậy, ông rất đồng tình khi bộ sách chỉ đích danh cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc là "cuộc chiến tranh xâm lược" của Trung Quốc đối với Việt Nam, bởi đó là một thực tế lịch sử không ai có thể bác bỏ.

"Lịch sử là lịch sử, chúng ta không có quyền quên lãng nó, không có quyền bóp méo nó và cần phải làm rõ để thế hệ sau tự hào về lịch sử cha ông mình. Khi chiến tranh giải phóng đất nước kết thúc, chúng ta đã bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc rất đĩnh đạc. Mặc dù phải chịu tổn thất lớn, nhưng chúng ta đã anh dũng chiến đấu để giữ trọn vẹn vùng đất, vùng trời, biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Khi nói đến sự kiện 1979, chúng ta phải rạch ròi, không thể lẫn lộn, không thể để cuộc chiến tranh ở biên cương Tổ quốc vĩ đại như thế bị chìm lấp" — Thiếu tướng Lê Mã Lương xúc động nói.

Với sứ mạng cao cả của sử học là làm thế nào viết nên những trang sử tôn trọng sự thật khách quan, dựa trên những cứ liệu khoa học, hơn chục năm qua, những nhà khoa học của Viện Sử học luôn trăn trở, tìm tòi, nhìn nhận và đánh giá khách quan, trung thực lịch sử dân tộc để không những người Việt Nam mà còn bạn bè thế giới hiểu đúng, đánh giá đúng bản chất lịch sử, ngăn chặn những luận điệu xuyên tạc.

Cuộc xung đột Trung-Việt năm 1979 - Sputnik Việt Nam
Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: "Cuộc chiến tranh xâm lược" của TQ với Việt Nam?
Khi bộ sách Lịch sử Việt Nam (15 tập) được giới thiệu trước công chúng đã tạo ra cơn "sốc" trong dư luận, thậm chí ở góc độ khác đó còn là một sự đột phá, không chỉ giới khoa học, các tướng lĩnh mà đông đảo quần chúng nhân dân đều quan tâm.

Qua bộ sách, nhiều người mới biết rõ về sự kiện 1979, về chiến tranh biên giới Tây Nam là khi quân Khmer đỏ đánh chiếm dọc biên giới, chiếm một số đảo ở Phú Quốc và một số đảo khác, quân đội Việt Nam đã chiến đấu để bảo vệ dân, giữ vững mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Và khi nước bạn phát động cuộc chiến tranh, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của Việt Nam, vì tình bạn quốc tế cao cả, quân đội Việt Nam đã tình nguyện sang giúp không chỉ trong 1,2 ngày mà ở giúp bạn đến 10 năm mới trở về.

Theo vị tướng quân đội, khi những công trình nghiên cứu được đánh giá là thành tựu của sử học thì những sự kiện trong đó phải được thể hiện trong sách giáo khoa. Đây là một việc tất yếu. Bởi chỉ có đưa vào chương trình giảng dạy từ phổ thông đến đại học thì công trình nghiên cứu mới có sức lan tỏa trong đại chúng, đồng thời trang bị cho học sinh thông tin đầy đủ, nhận thức đúng đắn và bồi dưỡng lòng yêu nước cho các em.

 "Nhìn nhận lại lịch sử để thế hệ trẻ hiểu thấu đáo nó, tự hào về nó và làm sao tránh được chiến tranh xảy ra, đồng thời các em cũng ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với sự hy sinh cao cả của cha ông vì khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc" — Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ.

Nguồn: VOV

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала