Theo Kênh QPVN, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đang thực hiện đề tài nghiên cứu chế tạo xe cơ sở để lắp đặt tổ hợp pháo — tên lửa phòng không tầm thấp. Đây là đề tài có tính ứng dụng cao, dễ vận hành, nâng cao tính cơ động cho pháo, giảm tối đa sức lực của bộ đội khi triển khai và thu hồi pháo, công trình này đã tiết giảm được đáng kể ngân sách quốc phòng.
Cấu hình vũ khí do Việt Nam sản xuất về cơ bản không khác biệt nhiều so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Theo những hình ảnh được công bố, hệ thống pháo tự hành ZU-23-2 của Việt Nam sẽ được trang bị tên lửa Igla — dòng tên lửa Việt Nam đã tự chủ sản xuất.
Với cách trang bị vũ khí này, pháo phòng không tự hành ZU-23-2 sẽ có tầm tác chiến cực ấn tượng bởi đạn tên lửa tổ hợp Igla có thể hạ mục tiêu ở cự ly đến 5,2km, độ cao 3,5-4km. Để tăng khả năng diệt mục tiêu, khẩu pháo tự hành này đã được nâng cấp với khối điều khiển xác định mục tiêu và lấy phần tử bắn tự động.
Hệ thống gồm một máy đo xa laser, kính ngắm quang-điện tử có khả năng hoạt động ngày/đêm. Lắp bộ phận nạp đạn tự động giúp nâng cao tốc độ bắn. Bộ phận điều khiển hỏa lực sẽ tự động điều chỉnh góc nâng của pháo theo tham số mục tiêu từ hệ thống cảm biến.
Khối điều khiển hoạt động bằng điện với khả năng quay 360 độ cho phép quan sát tốt hơn. Hệ thống cảm biến, điều khiển hỏa lực và pháo kết nối với nhau tạo thành một khối thống nhất giúp nâng cao hiệu suất chiến đấu.
Các thông tin về mục tiêu được hiển thị lên màn hình để pháo thủ quan sát và điều khiển pháo sao cho đường ngắm nằm ở trung tâm mục tiêu trong chế độ bám sát cũng như thực hành bắn. Việc điều khiển pháo và hệ thống cảm biến khá dễ dàng bằng cần kiển khiển cầm tay.
Trước đây khi chưa cải tiến, pháo ZU-23-2 được vận hành bằng tay hoàn toàn nên cần rất nhiều người, do đó rất không phù hợp để triển khai ở các khu vực biển đảo. Sau nâng cấp, người chỉ huy bắn và toàn bộ ê kíp của ZU-23-2 được giảm chỉ còn một pháo thủy duy nhất.
Việc tự động hóa toàn bộ quá trình xác định mục tiêu, tính toán phần tử bắn và điều khiển hỏa lực của pháo ZU-23-2 vừa tinh gọn biên chế trong khi lại nâng cao hiệu suất tác chiến. Tầm bắn sau cải tiến vẫn duy trì như trước.
Ngoài ra, cơ cấu điều chỉnh cự ly mục tiêu bằng tay trước đây bằng hệ thống đo xa laser và ảnh hồng ngoại. Với cơ cấu cũ, pháo thủ mất khá nhiều thời gian để xác định cự ly, nhưng tọa độ mục tiêu chỉ ở mức tương đối không được chính xác như hệ thống mới.
Nguồn: QPVN