Ngày 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự án Luật đơn vị hành chính — kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế — P.V).
Dự án luật gồm các cơ chế, chính sách ưu đãi áp dụng chung cho ba đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang) và có tính đến đặc thù của từng đơn vị.
Chính phủ đề nghị xây dựng mô hình chính quyền địa phương cho đặc khu theo hướng không tổ chức HĐND, UBND và sẽ có trưởng đơn vị — người này thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế — xã hội trên địa bàn.
Theo đó, trưởng đặc khu có 116 thẩm quyền (ra quyết định của chính quyền theo quy định — P.V) trên 13 lĩnh vực như: Tài chính, ngân sách, đầu tư công, đầu tư kinh doanh, quy hoạch, xây dựng, đô thị, nhà ở và bất động sản, tài nguyên, môi trường, giao thông vận tải, công nghiệp… Dưới trưởng đặc khu có các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc.
Ông Nguyễn Khắc Định — Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho hay, trong quá trình thẩm tra nội dung nêu trên, nhiều ý kiến trong Ủy ban này tán thành với phương án "đặc biệt" của Chính phủ về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương đặc khu.
Bên cạnh đó, có những ý kiến đề nghị quy định trưởng đặc khu là đại diện của chính quyền cấp tỉnh; cân nhắc thêm việc tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là một cá nhân (Trưởng đơn vị).
Một số ý kiến trong Ủy ban pháp luật cho rằng, dự thảo Luật quy định trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm, như vậy là không rõ mối quan hệ với chính quyền cấp tỉnh cũng như không có sự liên hệ trực tiếp với nhân dân địa phương.
"Việc tập trung 116 thẩm quyền trên 13 lĩnh vực cho chức danh trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, nhưng không có cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp, tại chỗ mà thực hiện giám sát từ trên xuống sẽ không tránh khỏi hình thức, dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, mất dân chủ", — Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp nêu lên ý kiến của nhiều thành viên trong cơ quan này.
Nêu quan điểm "quyền gắn với trách nhiệm", Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt bày tỏ sự đồng tình với mô hình của Chính phủ là "trao quyền cho ông trưởng đặc khu", tuy nhiên cần tổ chức cơ chế giám sát quyền lực.
Theo ông, các nước thường tổ chức đặc khu "chặt về chính trị, quốc phòng, an ninh, nhưng mở về kinh tế".
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, "bộ máy phải vô cùng gọn nhẹ; một người có thể được trao quyền rất lớn, nhưng cần kiểm soát để anh hành động vì lợi ích quốc gia chứ không lồng ghép cá nhân".
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhất trí với dự án Luật và bày tỏ sự tiếc nuối vì "Phú Quốc diện tích kém Singapore một chút, nhưng bao nhiêu năm qua chưa phát triển nhảy vọt được, dù người tài và nước ngọt không thiếu".
"Phải đột phá, cơ chế phải thoáng; tổ chức như những nơi khác thì cuối cùng vẫn thế", — ông Tỵ nói.
Dự án Luật đơn vị hành chính — kinh tế đặc biệt sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.
Nguồn: VnExpress