"Đã thu thập được 120 chữ ký của các đại biểu thuộc những lực lượng chính trị khác nhau. Vấn đề bỏ phiếu được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội", — ông Jaafar nói.
Theo ông, "Quốc hội sẽ bỏ phiếu để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật Iraq trước một cuộc trưng cầu đi ngược lại Hiến pháp".
Sputnik đã trao đổi về mâu thuẫn giữa Erbil và Baghdad với một đại diện của chính phủ người Kurd và các chuyên gia.
Ông Safin Dizayi, một phát ngôn viên của chính phủ Kurdistan Iraq cho biết như sau:
"Trưng cầu dân ý là quyền chính đáng của mọi dân tộc, trong đó có cư dân Kurdistan, thực tế Iraq hiện không là một nhà nước thống nhất. Đáng tiếc, chính sách thống nhất đã bị các quan chức Iraq chôn vùi. Trước năm 2003 từng có bản đồ lộ trình xây dựng nhà nước Iraq mới trên cơ sở dân chủ và thiết lập quan hệ đối tác thực sự giữa các vùng của đất nước. Nhưng điều này đã không xảy ra do hoạt động của các chính quyền gần đây và các vi phạm Hiến pháp. Trong bối cảnh như vậy, người dân Kurdistan muốn sử dụng quyền tự quyết của mình".
"Cộng đồng quốc tế quan tâm việc khu vực được đảm bảo an ninh và ổn định, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố. Cộng đồng quốc tế lo lắng về những thời hạn chứ không chú ý đến thực tế cuộc trưng cầu sắp tới. Kể từ thời điểm thỏa thuận Sykes-Picot đến nay thì đây là lúc tốt nhất cho một quyết định như vậy. Bất ổn trong khu vực bắt đầu sau cuộc xâm lược Kuwait của Iraq vào năm 1990, cuộc chiến Iran-Iraq đến nay chưa dứt, đặc biệt là trên lãnh thổ Syria. Nhưng những thảm họa này không phải lỗi của người Kurd. Trái lại, người Kurd đang là một yếu tố ổn định trong khu vực. Sự xuất hiện của một nhà nước Kurdistan sẽ không thay đổi qui chế hiện trạng, nhưng cải thiện và ổn định tình hình. Chúng tôi hy vọng sẽ không còn những lo ngại về nỗ lực của người Kurd trong cuộc chiến chống khủng bố".
"Cuộc trưng cầu về độc lập không phải là sự chia cắt hoàn toàn. Baghdad sẽ vẫn là đối tác chiến lược của Kurdistan. Đúng là ở chỗ chúng tôi hiện có các đại diện đối lập người Kurd từ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng họ hành động không phối hợp với chính quyền của chúng tôi. Kurdistan Iraq quan hệ tốt với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi không muốn tạo ra nhà nước của người Kurd ở những nước này. Nhưng chúng tôi hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ giải quyết thỏa đáng các vấn đề của người Kurd và các dân tộc thiểu số khác. Chúng tôi chỉ tập trung nỗ lực vào xây dựng Kurdistan Iraq".
Nhà báo Nga Andrei Ontika thì cho rằng, Nga công nhận quyền sở hữu nhà nước của các dân tộc, trong đó có quyền lợi của người Kurd. Nhưng đồng thời, Nga ủng hộ ý tưởng một Iraq hiệp nhất, lúc này là một yếu tố rất quan trọng.
"Trưng cầu dân ý của người Kurd ở Iraq sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng và ảnh hưởng đến tình hình an ninh. Không chỉ ở Iraq mà cả Trung Đông nói chung. Có nguy cơ xảy ra đối đầu giữa người Ả Rập và người Kurd. Tâm trạng ly khai còn có ở Syria. Người Kurd Syria muốn tổ chức cuộc bầu cử địa phương trong tương lai gần, những hành động tương tự có thể diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những điều này là con đường dẫn thẳng tới chiến tranh giữa người Ả Rập và người Kurd".
"Trên thế giới có hai quốc gia ủng hộ trưng cầu dân ý và việc Kurdistan tách khỏi Iraq, đó là Hoa Kỳ và Israel. Người Israel ngay từ đầu rất ủng hộ ý tưởng trưng cầu dân ý vì nó đóng góp cho việc thực hiện chính sách của Israel với mục đích chia rẽ thế giới Ả Rập. Nhà chức trách Mỹ kêu gọi trì hoãn trưng cầu dân ý nhưng không phản đối ý tưởng này. Trưng cầu dân ý của người Kurd đáp ứng lợi ích của Mỹ vì họ là một đồng minh của Israel. Chính sách Trung Đông của Mỹ gần đây cũng là nhằm chống lại sự hiệp nhất của thế giới Ả Rập".
Quyết định tiến hành trưng cầu dân ý được công bố ngày 7 tháng 6 năm 2017, sau một cuộc họp của đại diện các đảng người Kurd dưới sự chủ trì của Chủ tịch Kurdistan Iraq, ông Massoud Barzani. Ngày trưng cầu dân ý về tách khỏi Iraq được ấn định là 25 tháng 9 năm 2017. Baghdad tuyên bố quyết định này trái với Hiến pháp. Lập trường của chính quyền trung ương Iraq cũng được Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh ủng hộ.