Tiến đến 2 sinh viên mặc đồng phục trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng đang ăn, ông Trương Tấn Sang hỏi về trường học, quê quán và "cơm ăn có no và vừa miệng không?". "Dạ, no và vừa miệng lắm bác. Trưa nào tụi con cũng qua đây ăn. Giá 1 dĩa cơm chỉ có 2.000 đồng mà chất lượng bằng với 20.000 đồng bán ở ngoài", một sinh viên đáp.
Trò chuyện với nguyên Chủ tịch nước, ông Khanh — một thực khách nhà ờ Q.1 — vừa cầm tờ 2.000 đồng mua phiếu cho hay, trước đây anh đạp xích lô nhưng hiện bị mất sức lao động, được phường hỗ trợ 570.000 đồng/tháng. Số tiền này không đủ sống nên thời gian qua, Quán Nụ Cười là địa chỉ ông tìm đến hằng ngày.
Ông Sang hỏi thăm những người phục vụ thì đều được trả lời phần lớn là tình nguyện viên, tranh thủ thời gian rảnh ra phụ giúp quán.
"Thưa bác Tư (tên gọi thân mật của ông Trương Tấn Sang — PV), ngày nào con cũng ra đây phụ. Cứ rảnh là con chạy ra đây phụ giúp quán, giúp được nhiều người nghèo", anh Nguyên đáp.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với ông Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, chủ nhiệm Quán Nụ Cười.
Ông Nam Đồng cho biết, khi quán mới mở, ông Sang có đưa phu nhân tới và từ đó đến nay gia đình nguyên Chủ tịch nước luôn đồng hành với quán.
Sự tử tế của người Sài Gòn mạnh mẽ như mạch nước ngầm
Ông Nam Đồng cho hay đến nay có 6 Quán cơm Nụ Cười từ số 1 đến số 7 nhưng không có quán số 5. Ông Nam Đồng lý giải, tâm nguyện của ông làm đến quán số 5 thì ông chết cũng an lòng.Tuy nhiên, sau đó phát sinh nhiều quán khác, nên những người sáng lập quyết định "nhảy cóc" từ số 4 lên số 6 chứ không lấy số 5.
"Sự tử tế của người dân Sài Gòn rất mạnh mẽ. Nó giống như mạch nước ngầm. Nếu người ta tin và biết số tiền ủng hộ đó không được rơi rớt đồng nào hết thì họ sẽ ủng hộ mạnh mẽ. Chúng tôi gọi tiền ủng hộ là tiền thiêng liêng. Dù 1.000 đồng thì chúng tôi cũng công khai", ông Nam Đồng nói.
Nguồn: Thanh Niên