Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, hôm qua cho biết Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường công bố bộ bản đồ chuẩn về đường biên giới quốc gia Việt — Lào.
Hai nước đã lập bộ bản đồ đường biên giới quốc gia với tỷ lệ 1/50.000 thể hiện toàn bộ thành quả giải quyết biên giới.
Công việc này được nêu lên sau khi hai bên hoàn thành Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt — Lào năm ngoái. Theo đó, hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước hiện có 1.002 cột mốc và cọc dấu tại 905 vị trí, được ghi nhận chi tiết tại Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới ký vào tháng 3/2016.
Các mốc quốc gia và cọc dấu có tọa độ địa lý được đo bằng máy GPS hai tần số, mô tả chi tiết hướng đi của đường biên giới và địa hình đường biên giới đi qua theo hướng từ Bắc xuống Nam. Việt Nam và Lào triển khai dự án nói trên từ năm 2008, nhằm hoàn thiện chất lượng đường biên giới giữa hai nước cả trên thực địa và hồ sơ pháp lý.
Thứ trưởng Trung cho hay đường biên giới Việt — Lào dài hơn 2.300 km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Hai nước kết thúc đàm phán và ký "Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia" vào tháng 7/1977.
Trên cơ sở đó, Việt Nam và Lào hoàn thành cơ bản công tác phân giới cắm mốc đường biên trên thực địa, giải quyết xong các vấn đề chuyển giao đất, bàn giao dân và tài sản giữa hai bên phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tế.
Từ 1987 đến nay, hai nước lập bộ bản đồ đường biên giới với tỷ lệ 1/50 000 bằng công nghệ kỹ thuật số, giải quyết toàn bộ các sai lệch về đường biên, mốc giới và các đoạn biên giới còn tồn đọng trước đây. Hai nước cũng phối hợp với Trung Quốc cắm mốc và ký Hiệp ước về điểm ngã ba biên giới Việt Nam — Lào — Trung Quốc; phối hợp với Campuchia cắm mốc và ký Hiệp ước về điểm ngã ba biên giới Việt Nam — Lào — Campuchia.
Cùng với Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới ký tháng 3/2016, Việt Nam và Lào cũng có Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt — Lào. Hai văn bản này vừa có hiệu lực đầu tháng 9 năm nay.
Thứ trưởng Trung nhấn mạnh biên giới Việt — Lào có vị trí chiến lược với an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội của hai nước. Vì vậy, hai bên cần xây dựng đường biên giới hai nước hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Việt Nam cần tăng hợp tác với Lào để giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, cần có chính sách tăng cường thu hút đầu tư để nâng cấp hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế.
Thời gian tới, Việt Nam cũng cần phối hợp với Lào để giải quyết các tồn đọng, đó là thực hiện tốt Thỏa thuận cấp Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt — Lào; xây dựng và triển khai đề án "Quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới Việt — Lào đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035".
Các hoạt động này nhằm tăng giao lưu qua lại biên giới, phát huy thế mạnh kinh tế biên mậu, làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu và bảo đảm an ninh, trật tự trên toàn tuyến biên giới.
Nguồn: vnexpress