Đáng nói là báo Văn Nghệ điện tử chính là nơi nổ "phát súng" đầu tiên về vụ lình xình xe cộ của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, từ ngày 22/2/2017, và bị Thành ủy Đà Nẵng phản ứng gay gắt…
Với Bí thư Nguyễn Xuân Anh, từ ban đầu tôi có khá ít ấn tượng, có lẽ bởi cảm giác vị đứng đầu thành phố vốn đầy sóng gió tiên phong xếp thứ 3 cả nước này còn…trẻ quá!. Với gương mặt trông còn trẻ hơn cả cái tuổi 39 khi nhậm chức Bí thư Thành ủy, lúc nào cũng gọn gàng, bóng sạch. Dù trước đó ông đã trải qua khá nhiều vị trí lãnh đạo từ cấp phòng ban, quận huyện, đến Phó chủ tịch, Phó Bí thư thành phố, mà hầu hết chỉ trong thời gian chóng vánh. Nhưng không hiểu sao chỉ khi ông làm Bí thư, vào Ủy viên trung ương, thì không chỉ tôi, mà ai cũng nhận thấy ông còn…quá trẻ! Nhất là đem so với cái bóng của ông Nguyễn Bá Thanh.
Hai chuyến vi hành cùng liên quan đến rác thải và ô nhiễm, nhưng tại hai thời điểm và có lẽ với hai tâm thế hoàn toàn trái ngược nhau, người sát thời cuộc Đà Nẵng mới thấu hiểu. Chưa rõ việc xả thải ô nhiễm ra biển sẽ xử lý thế nào, nhưng với bãi rác Khánh Sơn, đến giờ vẫn vậy, dân vẫn kêu trời…
Cuộc đời có những điều những chuyện sau khi ta nói, nó bỗng như cứ tìm đến để "vận" vào người, để hiện ra theo chiều… ngược lại. Với tôi, Bí thư Nguyễn Xuân Anh có lẽ là một trường hợp như vậy.
Bây giờ đọc lại loạt bài phỏng vấn độc quyền 4 kỳ của PV báo điện tử Infonet với ông Xuân Anh chỉ sau khi nhậm chức đúng 1 ngày (ngày 17/10/2015), ngẫm về những điều thực tế đã xảy ra so với lời nói. Ông tự khẳng định một trong những điểm mạnh của mình:
"Tôi đánh giá tôi trong sáng. Trong sạch hay không thì để mọi người đánh giá, nhưng tôi nghĩ tôi không dính vào bất cứ vấn đề gì tiêu cực, không bè phái, không phe cánh…". Tân Bí thư trẻ cũng tỏ ra kiên quyết: "Sẽ không chấp nhận việc lợi dụng vị trí, chức quyền để vun vén cho cá nhân, lợi ích riêng là chính còn lợi ích chung thì ít. Phải luôn luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng… Tôi nói đây không phải là nói cho nó hay mà trong tâm nguyện của tôi như thế". Và nói về kỷ luật xử lý cán bộ: "Tôi không ngại việc thay thế cán bộ nếu cán bộ đó không đảm bảo. Là vì không đảm bảo, dư luận không đồng tình thì Thủ tướng phải thay thôi. Tôi không cổ súy việc bãi nhiệm này kia nhưng tôi nghĩ là có chứ không phải không "một bộ phận không nhỏ" các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ì ạch, nhũng nhiễu, dư luận ồn ào thì mình để yên sao? Để làm được điều đó thì anh phải sạch cái đã. Anh phải làm được điều đó thì khi anh thay họ, họ mới tâm phục khẩu phục…".
Trong bài trên, Bí thư Xuân Anh cũng bộc bạch:
"Anh Nguyễn Công Khế (nguyên Tổng Biên tập báo Thanh Niên - NV) nguyên là lãnh đạo cũ của tôi, là người đi trước rất quý mến tôi. Sáng sớm nay ảnh gọi điện cho tôi, bảo: "Đọc cái bài anh thấy rất phấn khởi. Xuân Anh à, chú cứ làm y như những gì chú nói. Nếu không làm được như vậy thì đất nước sẽ lộn xộn, nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ chứ không phải không. Bây giờ anh em mình có phải thiếu thốn gì đâu mà phải tiêu cực, phải này nọ. Chú phải làm y như những điều đã nói!". Tôi nghĩ rất là đúng. Tôi nói với ảnh là: "Anh yên tâm. Em hứa, em nói sao em sẽ làm như vậy!".
Một người đang ở tuổi chín tới, có đầy đủ mọi điều kiện đáng mơ ước để bước vào sự nghiệp chính trị vững vàng và tương lai rộng mở. Người mà thời gian rảnh rỗi chỉ "đọc sách về công tác xây dựng Đảng, sách về chính trị, về khả năng lãnh đạo, kinh tế và những gì liên quan tới tình hình thế giới". Người "không hút thuốc lá, bia rượu, cà phê, chỉ chơi một môn thể thao là quần vợt, và dành thời gian cho vợ con", như những trả lời của ông trên báo chí. Thì với những điều mà Ủy Ban Kiểm tra T.Ư Đảng vừa chính thức kết luận, thật đáng tiếc! Có những điều không hiểu được. Như chiếc xe, căn nhà nhận từ doanh nghiệp. Nhìn căn nhà mà ông Bí thư đang ở gần chợ Hàn trong tình trạng "3 nhập làm 1" ấy, dù diện tích tới vài trăm mét vuông, nhưng từ ngoài trông vào thấy nó cũ kỹ, thấp bé lùi xùi làm sao!
Tâm sự của người vừa làm thầy, vừa là cán bộ thuộc cấp bỗng trở nên đau đáu. Như là trút niềm tâm sự chung với lớp cán bộ trẻ đã và đang làm lãnh đạo. Rằng lớp trẻ không chỉ gánh vác công việc của những thế hệ đi trước trao lại, mà gửi gắm trong đó còn có cả niềm tin yêu, hy vọng và khát vọng. Thời kỳ nào, giai đoạn nào cũng vậy. Đặc biệt khi được giao phó trọng trách, lại càng phải toàn tâm toàn ý phấn đấu, rèn luyện thật tốt vì cái chung, vì tập thể, và cho cả đất nước. Luôn thấy sau lưng là những người ủng hộ, tin tưởng mình, kỳ vọng vào mình. Chứ chưa nên vì những cái riêng tư, của cá nhân và gia đình. Phải dũng cảm vượt lên trên những rào cản ấy để cống hiến.
Lại nhớ buổi trưa hôm nọ trong căn phòng oi nồng nắng hè cũng của một nhà giáo già khác nay đã ngoài 80 tuổi Nguyễn Đình An. Ông từng là thầy giáo luyện học sinh giỏi môn Văn cho nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ thời còn ở miền Bắc. Sau 1975 về lại quê hương, ông làm Giám đốc Sở Giáo dục, rồi làm Phó chủ tịch tỉnh QN-ĐN… Hai lần đột quỵ khiến sức khỏe ông sút giảm nhiều. Nhưng đau đáu vẫn là câu chuyện bè phái, mất đoàn kết trong một số lãnh đạo Đà Nẵng, khiến lòng dân, lòng cán bộ thành phố nhiều lúc chùng xuống, hoang mang. Điều ít khi thấy ở thành phố này suốt 20 năm qua…
Bí thư Xuân Anh trong những lần gặp gỡ báo chí, luôn tỏ ra tự hào về một thời làm báo của mình. Cái môi trường mà ông từng tâm sự là hết sức phong phú, nhưng cũng phải "lăn lộn ghê lắm". Nhớ cuộc gặp nhân ngày 21/6 mới đây, do ngồi phía sau, lúc gần tàn cuộc thế nào không biết tôi bị "rớt" lại. Để trong số những người cuối cùng còn ở bữa tiệc có cả Bí thư lẫn Chủ tịch thành phố. Những lời tâm huyết của tôi và cánh nhà báo được rút ruột nói ra. Về sức nong công luận, báo chí tại Đà Nẵng — miền Trung. Về khả năng "chịu nhiệt" và ứng xử với tinh thần công khai, dân chủ… Nhưng rồi ít hôm sau, tại kỳ họp HĐND, rộ lên những phát ngôn, rằng "ở Đà Nẵng có 0,65 người làm báo/1km2". Và "Bây giờ Đà Nẵng được cả nước quan tâm, chúng tôi đang bị đặt dưới không những kính lúp mà kính hiển vi nữa"…
Nhiều day dứt trong giọng thầy giáo cũ, khi nói về những người trẻ có kiến thức, học hành nhưng không vươn lên bằng sự cống hiến. Không dũng cảm rũ bỏ được vật chất, những phù hoa cám dỗ trước mắt. Dẫu biết rằng giữ được mình bây giờ khó lắm, vì các thế lực lôi kéo, vì cám dỗ vật chất dữ dằn, nghiệt ngã lắm. Người thầy giáo môn Văn nhắc lại câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm từng viết về Đà Nẵng, đầy ấm áp, tin yêu: "Biết bao tin cậy giữa lòng mình/ Khi mình giữa lòng Đà Nẵng"…
Nguồn: Tiền Phong