Căn nhà trên được ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị xây dựng tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, quê cũ của ông Trung.
Sau những thông tin rộ lên mấy ngày qua về căn nhà được cho là "biệt phủ" với nhiều loại gỗ quý của ông Khổng Trung, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chủ nhân ngôi nhà này.
Ông Trung nói rằng: "Căn nhà mà các phương tiện thông tin nêu là biệt phủ thì có phần hơi quá, thực chất đây chỉ là căn nhà rường bằng gỗ, gồm 3 gian, 2 chái, có thiết kế sân vườn".
Việc ông Trung xây dựng một ngôi nhà gỗ khá rộng rãi, bề thế khi đang công tác trong ngành kiểm lâm đã dấy lên nghi ngờ về nguồn gốc số gỗ mà ông có.
Giải thích về việc dựng ngôi nhà này, ông Trung cho biết, ngôi nhà bằng gỗ như thế này ông đã ấp ủ từ lâu. "Tôi làm nhà gỗ vì trước đây tôi ấp ủ muốn làm nhà rường gỗ để khi nghỉ hưu tôi về sinh sống ở quê. Tôi làm trưởng họ nên có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Hơn nữa, tôi rời quê cũng khá lâu, bà con anh em đều khuyên về hưu thì về làng, tôi quyết định và mong làm nhà rường ở quê dạng nhà vườn. Hai vợ chồng tôi thống nhất về quê ở.
Ngoài phần đất của mình tôi cũng chuẩn bị là mua đất từ 2005, đến 2006 mới có sổ đỏ. Sau đó nhà bên cạnh bán thêm cho tôi nên mua thêm 2 lần nữa mới có diện tích vườn rộng vậy", ông Trung nói.
Theo ông Trung, vào năm 2014, vì có dự định làm nhà gỗ nên ông tham khảo nhiều người quen biết về nguồn gỗ để xây dựng. Sau đó, ông đã đến một số nơi và được giới thiệu đến gặp một chủ gỗ làm ở bên Lào.
"Ban đầu chủ gỗ này cho biết họ gom mấy năm được bộ gỗ 33 cây cột về làm lâu nay rồi nên không bán. Nhưng sau thấy tôi cần nên đã đồng ý bán cho tôi 32 cây cột trên, tặng thêm 1 cột gỗ với giá gốc là 320 triệu đồng. Tìm được số gỗ ưng ý nên tôi quyết định làm to", ông Trung cho hay.
Cũng theo ông Khổng Trung, căn nhà này ông bắt đầu xây dựng khoảng tháng 4/2015 đến đầu 2016 thì cơ bản hoàn thành. Để làm căn nhà này, ông phải sử dụng hơn 80 m3 gỗ từ nhiều nơi khác nhau.
"Trước đó, khi có ý định làm nhà nên tôi đã tích lũy gỗ trước rồi, có gỗ lim, gỗ nhóm 3, nhóm 8. Sau tôi mua thêm 1 lô gỗ đấu giá của kiểm lâm, bán tịch thu bắt ngoài Vĩnh Linh, tôi mua 24 m3 qua Trung tâm đấu giá của tỉnh. Tất cả gỗ đều mua trên địa bàn Quảng Trị, những lần mua lớn đều có giấy tờ gốc gác. Còn mua nhỏ thì tôi không lấy giấy. Mua có địa chỉ, giấy tờ rõ ràng", ông Trung nói.
Theo ông Trung, căn nhà gỗ này được ông Trung hoàn thành với giá trị thời điểm đó là hơn 2 tỷ đồng (?). Theo ông Trung, nguồn thu làm nhà lấy từ tiền bán sản phẩm gỗ rừng trồng của gia đình ông, đồng thời vợ ông có kinh doanh cây xăng và làm vườn ươm cây giống lâm nghiệp.
"Vào năm 2016, tôi có kê khai tài sản cho Nhà nước là làm căn nhà 2 tỷ đồng. Nguồn thu từ bán sản phẩm rừng trồng và vợ tôi có công ty kinh doanh cây xăng và vườn ươm cây lâm nghiệp. Tôi khai nguồn thu nhập chính thôi. Ngoài ra còn một số tiền khác, tiền hỗ trợ, tiền lương", ông Trung cho biết.
Theo ông Trung, hiện ông đang sở hữu hơn 40 ha rừng trồng trên địa bàn, số này có từ trước những năm 2000, 2005 khi mà người dân địa phương chưa mặn mà với trồng rừng. Trên số diện tích rừng này, ông đã thu hoạch nhiều lần nên tích lũy. Bên cạnh đó, gia đình ông có cây xăng và vườn ươm cây giống lâm nghiệp do vợ ông làm. Mỗi năm thu nhập từ 2 lĩnh vực này khoảng gần 200 triệu đồng.
Ông Trung trình bày: "Tôi làm nhà có nhiều người biết, mọi thứ đều rõ ràng, không có gì phải giấu giếm".
"Khách quan mà nói, dư luận có thể cũng nghi ngờ vậy vì tôi làm bên Kiểm lâm, mình làm nhà gỗ, thì nhiều người không hiểu đầy đủ cho rằng mình gian lận gỗ lậu, hoặc gây áp lực để có gỗ. Có thể có người suy nghĩ dưới góc độ như vậy. Nhưng tôi khẳng định gỗ quý ở Quảng Trị không có và mua không phải dễ dàng đâu. Dẫu trong rừng có gỗ quý cũng rất khó ra đường. Mỗi năm ngành kiểm lâm bắt 400-500 vụ, với khoảng 700-800 m3 gỗ thường thôi", ông Trung giải thích.
Liên quan đến những thông tin ông Khổng Trung dựng nhà gỗ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu ông này giải trình.
"Chủ tịch UBND tỉnh có gọi cho tôi và yêu cầu giải trình. Tôi hứa đến cuối tuần tôi sẽ gửi giải trình liên quan đến nhà của tôi. Gỗ tôi mua chỗ nào, bao nhiêu khối đều có chứng từ hóa đơn. Loại không có hóa đơn, nhưng vẫn có lý lịch rõ ràng, vì họ chưa lấy tiền hoặc lưu hành nội bộ trong tỉnh không cần hóa đơn. Tôi làm ai cũng biết rồi nên không thể nói dối", ông Khổng Trung nói.
Nguồn: Dân trí