Người chọn vai xuất sắc!
Thừa hưởng nhan sắc từ mẹ là công chúa Nam Trân — một vẻ đẹp ngay cả khi hai bên thái dương đã điểm hoa râm vẫn toát lên sự quý phái, tự chủ nhưng quý bà
Trần Lệ Xuân dưới ngòi bút của tác giả Monique Brinson Demery còn có phần sinh động, hấp dẫn hơn hẳn.
Trong lễ cưới vào tháng 5.1943 tại Nhà Thờ Lớn (Hà Nội), Trần Lệ Xuân được miêu tả với hình ảnh long lanh đến mức choáng ngợp từ cách mang tất tay dài, choàng đăng ten quấn quanh mái tóc đang chảy dài xuống đôi vai… cho đến nét đẹp nhất là đôi mắt long lanh mở to trong suốt buổi lễ.
Dưới góc nhìn của Monique Brinson Demery, đó là "một thái độ thận trọng mới mẻ đối với những cảm giác mà cô phải dè chừng hầu hết thời gian — tính ưa dâm dục, sự tự mãn và kiêu căng.Tất cả mọi cặp mắt đều hướng về cô dâu mười tám tuổi khi cô bước vào khu vườn".
Nhan sắc quý bà Trần Lệ Xuân không chỉ thu hút ở môi son, má hồng, viền mắt đậm thấp thoáng giữa lằn ranh giới cổ điển và hiện đại mà còn ở vẻ bình tĩnh, nghiêm trang từ bức ảnh cưới đến đời thường. "Cô trông như một búp bê sứ sẽ rạn vỡ ngay khi đánh bạo nở nụ cười", tác giả cuốn sách viết.
Trần Lệ Xuân thông thạo nhiều ngoại ngữ. Từ nhỏ, bà đã có thể đọc vanh vách những cánh rừng, những ngọn núi tuyết phủ ở trời Tây dù chưa từng nhìn thấy chúng.
Ngoài ra, còn có một chi tiết mà tác giả Monique Brinson Demery đã dụng công miêu tả trong cuốn sách với nhiều ẩn dụ đằng sau vẻ đẹp ngoại hình đó là từ khi còn rất trẻ Trần Lệ Xuân luôn biết nhận ra một vai diễn phù hợp cho mình.
Năm 1940, ngay trước khi gặp ông Ngô Đình Nhu, những nữ sinh trường múa ba lê Madame Parmentier chuẩn bị diễn vở Bạch Tuyết. Trong khi những nữ sinh người Pháp lẫn người Việt đều từ chối đóng vai mụ phù thủy gớm ghiếc thì Trần Lệ Xuân đã nhìn thấy tiềm năng trong vai diễn này.
Bà suy đoán hẳn không bao giờ được đóng Bạch Tuyết vì vai đó sẽ vào tay một cô gái Pháp da trắng nên chọn cách tỏa sáng trên sân khấu bằng một vai diễn độc ác xuất sắc.
Hôn nhân không tình yêu
15 tuổi, Trần Lệ Xuân được giới thiệu với ông Ngô Đình Nhu lúc bấy giờ đã gần ba mươi tuổi, giàu trải nghiệm. Họ gặp nhau trong khu vườn nhà ông Chương ở Hà Nội khi ông Nhu vừa về nước sau gần một thập niên học hành tại Pháp.
"Lệ Xuân đã nhìn thấy ông Nhu như một cơ hội. Bất luận vì tình yêu, tham vọng, hay là lợi dụng lẫn nhau, Lệ Xuân và ông Nhu đã đính ước không lâu sau buổi gặp gỡ trong vườn. Họ đã đính hôn trong ba năm, một truyền thống của người Việt, mặc dù việc đó không phải theo ý của cha mẹ Lệ Xuân. Nhưng trong quãng thời gian ấy, từ 1940 đến 1943, cái thế giới mà Lệ Xuân hằng biết đã hoàn toàn thay đổi", chỉ bằng mô tả ngắn gọn của tác giả cuốn sách, nhiều độc giả không giấu nổi ngỡ ngàng trước cuộc hôn nhân chóng vánh của người đàn bà luôn giỏi "chọn vai".
Giữa thời điểm thế chiến thứ hai đã nổ ra ở châu Âu, sự bại trận của nước Pháp đã gần như cắt phăng Đông Dương khỏi mẫu quốc, gia đìnhTrần Lệ Xuân vẫn không phải chịu khổ khi bị tước đi những thứ hàng hóa xa xỉ nhờ những các biện pháp xoay sở.
Ngay đến cuộc hôn nhân của con gái thứ nhà ông bà Chương vẫn thể hiện một gia thế quyền lực giữa một Hà Nội bị Nhật Bản chiếm đóng.
"Tình cảnh thiếu thốn của thời chiến tuy vậy vẫn không cắt đứt nguồn cung cấp rượu sâm banh Pháp của gia đình ông Chương. Nó chảy tràn vào những chiếc ly có chân kêu lanh canh của những thực khách, đó là, như bà Nhu bâng khuâng nhớ lại, "tất cả Hà Nội" — tức là tất cả những nhân vật quan trọng ở Hà Nội vậy" — một đoạn văn miêu tả về đám cưới xa hoa của Trần Lệ Xuân.
Ít người tin rằng, tại thời điểm vẫn đang học trung học, Trần Lệ Xuân đã sớm nhận ra cuộc hôn nhân sẽ giải phóng mình khỏi những nỗi bẽ mặt hàng ngày mà gia đình gây ra.
"Có vẻ như với Lệ Xuân, một người đàn ông ham mê sách vở hơn chính trị sẽ là nỗi khuây khỏa sau những trò chơi hai mặt và phản bội mà bà đã chứng kiến trong cuộc hôn nhân của chính cha mẹ mình. Việc ông Nhu mỉm cười nhiều hơn nói chuyện có vẻ là một biểu hiện tốt nữa. Kết hôn là bước tiếp theo với một cô gái có giáo dục, và Lệ Xuân không nghĩ cô hơn ông Nhu về điểm này", Monique Brinson Demery viết.
Và như là định mệnh, dù có giỏi "chọn vai" đến thế nào thì rốt cuộc quý bà Trần Lệ Xuân cũng phải thú nhận: "Tôi cô đơn trong hầu hết thời gian" khi bà viết về cuộc hôn nhân với chồng trong giai đoạn ông đang xây dựng nền tảng chính trị từ năm 1947 đến 1954.
Ở chương 7 mang tên "Một nơi ẩn lánh trên núi", bà Trần Lệ Xuân không giấu nổi niềm cay đắng: "Chồng tôi đơn giản là biến mất mà không nói một lời"…
Nguồn: Gia đình và Xã hội